Chuyển đến nội dung chính

BÀI THƠ “QUAN THƯ" TRONG KINH THI

Nguyên tác:          * Dịch âm
                                       
    關雎                 QUAN THƯ

 關 關 雎 鳩, Quan quan thư cưu
 在 河 之 洲。 Tại hà chi châu.
窈 窕  淑 女, Yểu điệu thục nữ,
君 子  好 逑。 Quân tử hảo cầu

參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái,
左 右 流 之。 Tả hữu lưu chi
窈 窕 淑 女, Yểu điệu thục nữ,
寤 寐 求 之。 Ngụ mị cầu chi.

求 之 不 得, Cầu chi bất đắc,
寤 寐 思 服。 Ngụ mị tư phục
悠 哉 悠 哉。 Du tai! du tai!
輾 轉 反 側。 Triển chuyển phản trắc.

參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái,
左 右 採 之。 Tả hữu thái chi
窈 窕 淑 女, Yểu điệu thục nữ,
琴 瑟 友 之。 Cầm sắt hữu chi

參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái
左 右 芼 之。 Tả hữu mạo chi
窈 窕 淑 女。 Yểu điệu thục nữ.
鐘 鼓 樂 之。 Chung cổ lạc chi

                                                      *Khuyết danh


*Dịch nghĩa:
.                           QUAN THƯ  (1)
                         (CHIM THƯ KÊU)


I)          Chim Thư cưu cất tiếng kêu quan quan (2)
            Ở trên cồn bãi sông.
            Như người con gái hiền thục dịu dàng
            Sánh đẹp đôi cùng người quân tử.

II)         Rau hạnh mọc so le um tùm
            Cả bờ trái bờ phải theo dòng nước chảy
            Người con gái hiền thục dịu dàng
            Ta thức ngủ đều mơ tưởng đến nàng

            Mơ tưởng đến nàng mà không được gặp
            Thức ngủ đều mong nhớ
            Ôi ! Triền miên! Triền miên!
            Để ta luôn trằn trọc trăn trở.

 III)        Rau hạnh mọc so le um tùm
             Hái bên trái rồi hái bên phải
             Người con gái hiền thục dịu dàng
             Ta ước mong được cùng nàng kết duyên cầm sắt (3)

             Rau hạnh mọc so le um tùm
             Chọn hái cả bên trái rồi bên phải
             Người con gái hiền thục dịu dàng
             Ta muốn giúp cho nàng vui bằng tiếng chuông trống

*Chú thích:
(1)Quan thư: Tên đề bài thơ. Những bài thơ trong Kinh Thi hầu hết đều không có đầu đề nên người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt tên đề cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu”.
       Bài “quan thư” là bài tình ca mở đầu ở phần Quốc phong (thiên Châu Nam) và cũng là mở đầu cho toàn bộ quyển Kinh Thi. (Kinh Thi là một tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc được sáng tác khoảng từ đầu thời Tây Chu đến cuối thời Xuân Thu.Hiện nay nó còn 311 bài thơ, chia làm 3 bộ phận lớn là Phong, Nhã, Tụng.).  Như vậy, bài thơ “quan thư” này đã xuất hiện hơn 2600 năm, nó đã đi vào lòng người và còn tồn tại đến hôm nay mặc dù Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy hoàng cho đốt sạch. Thế mới biết sự tồn tại của bài thơ hay còn bền bỉ hơn cả những tòa lâu đài cung điện đã từng có ở trên mặt đất.


                                   Đọan đầu Kinh Thi trên trúc (ảnh Internet)

(2) Quan quan: Theo chú giải của Chu Hy (đời Tống): Quan quan là tiếng chim trống và chim mái ứng họa nhau.Như vậy đây là từ tượng thanh nếu đọc theo âm bạch thoại là “Kwuan kwuan”  vì “quan quan” chỉ là âm Hán Việt.
  (3)Thư cưu: Theo Chu Hy, thư cưu là loài chim nước, loài chim này còn có một tên khác nữa là “vương thư”, hình dạng giống như chim phù y, chúng thường xuất hiện ở khoảng sôngTrường giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi nhất định, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi.
  (3) Thục nữ, quân tử: Theo ý của Khuông Hành (đời Hán) và sách của Mao công ( đời Hán) thì cho thục nữ (người con gái hiền lành) là bà Thái Tự (Hậu phi của Chu Văn vương), lúc bà còn thôn nữ. Còn quân tử (người có tài đức nhân cách hơn người) là vua Văn vương. Quan niệm này đã bị giới phê bình ngày nay bác bỏ. Bỡi vì đây là bài dân ca mang tình điệu chất phác thật thà đã xuất phát từ giới bình dân, nói lên tình cảm đơn phương của chàng trai với cô gái hái rau. Nó không hề dính dáng gì đến chuyện của phi tần vương đế.
  (4) Hạnh thái: Rau hạnh. Theo Chu Hy nó còn có tên là rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. Rau này mọc  ven theo hai bên bờ trái phải dưới dòng sông .
  (4) Cầm sắt: Đàn cầm (Có 5 dây)vả đàn sắt(có 25 dây).Là hai loại đàn cổ thường dùng hòa âm với nhau. Cầm sắt mang biểu tượng chỉ tình vợ chồng hòa hợp .
             Bỡi vậy, câu "cầm sắt hữu chi” nếu hiểu là đem đàn cầm, đàn sắt ra để đánh cho người thiếu nữ nghe thì không hợp lý mà nó chỉ có nghĩa là chàng trai mơ ước muốn được cùng thiếu nữ hái rau sánh duyên cầm sắt (duyên chồng vợ) mà thôi.
        Cũng do cách lý giải của Chu Hy và các người trước mà ta lại thấy có  những ý như "u nhàn thục nữ, hoăc cảnh vua cho người hái rau về nấu chín rau rồi bày hai bên..." chứ thực ra trong nguyên tác không hề có những ý này.

*Dịch thơ:

                    QUAN THƯ...
                (Chim thư kêu...)

 


I)           Chim thư cưu họa tiếng
            Hót trên cồn bãi sông
            Như cô gái dịu hiền
            Sánh đẹp đôi quân tử

II)         Rau hạnh mọc lô nhô
            Ven theo dòng phải trái
            Người con gái dịu hiền
            Thức ngủ ta mơ mãi

            Mơ nàng chưa được gặp
            Thức ngủ đều nhớ mong
            Ôi! Nỗi nhớ triền miên
            Cứ bâng khuâng trằn trọc.

 III)        Rau hạnh mọc lô nhô
            Trái phải trông nàng hái
             Người con gái dịu hiền
            Ta ước duyên cầm sắt.

             Rau hạnh mọc lô nhô
            Trái phải gom từng cọng
             Người con gái dịu hiền
             Xin chào vui chuông trống.
                          *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
                 Ngự bút bài thơ Quan thư (Chu Nam) của vua Thanh Càn Long 
                  và bức tranh minh họa

 

*Giới thiệu một số bản dịch khác:

 1)Bản dịch của Tản Đà

Thư cưu kêu quan quan 

      Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
      Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.


     Muốn ăn rau hạnh theo dòng,
Muốn cô thục nữ mơ mòng được đâu.
      Nhớ cô dằng dặc cơn sầu,
Cho ta dằn dọc dễ hầu ngủ yên.


       Muốn ăn rau hạnh hái về,
Muốn cô thục nữ nay về cùng ta.
       Tiếng chuông tiếng trống vui hòa,
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương.


 
2) Bản dịch của Tạ Quang Phát: (Tác giả đã dịch Kinh Thi thời nay)

+ Quan thư 1:

      Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy
       U nhàn thục nữ thế này
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

                    *Người dịch: Tạ Quang Phát

+Quan thư 2:

       So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
       U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời
       Nếu cầu mà chẳng được người
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương
       Xa xôi trông nhớ đêm trường
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.
                        *Người dịch: Tạ Quang Phát


+Quan thư 3:

       Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
       Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
       Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
       Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.
                            *Người dịch: Tạ Quang Phát

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi

Hán Việt:  Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi (情人眼里出西施 - cing4 jan4 ngaan5 leoi5 ceot1 sai1 si1) Dịch nghĩa : trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Chú thích: Tây Thi (chữ Hán: 西施 - sai1 si1 ), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).  

Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy

Trên Yahoo hỏi đáp có câu trả lời hay quá, đăng lên cho mọi người tham khảo: Quân tử là từ dùng để chỉ những người biết cách xử thế, có học vấn trong xã hội phong kiến. Khái niệm này do Khổng Tử đưa ra để dạy con người biết cử xử, ăn ở, đối đãi giữa người với người, người với xã hội, người với thiên nhiên. Ví dụ như "Tam cương ngũ thường", "Tam cương" tức là 3 mối ràng buộc về mặt quan hệ trong xã hội gồm "Quân - Sư - Phụ" tức là "Vua - Thày dạy - Cha". Tam cương dạy người ta trên kính dưới nhường, là 3 loại người mà người quân tử phải thờ phụng, trung hiếu. Còn "Ngũ thường" tức là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Người quân tử phải biết yêu thương đồng loại (Nhân), phải có phép tắc tôn ti (Lễ), phải có tình nghĩa, phải có trí tuệ (tức là còn phải biết đi học và xử lý tình huống) và cuối cùng là phải biết giữ lời hứa (Tín). Xét về nghĩa đen thì còn có thể hiểu "Quân tử" là con vua, hoặc cũng có thể hiểu là Người (

Thiên kim nan mãi bất hồi đầu

Phiên âm: 千金难买一回头 Dịch nghĩa:  Ngàn vàng không mua được một lần quay đầu sám hối. Lời bình: "có nghĩa là thời khắc qua rồi không lấy lại được,do đó nên biết quý trọng những gì trước mắt, không chỉ những gì trước mắt mà còn những người trước mắt, nếu không khi mất đi có hối cũng muộn rồi.". Một chút lạc đề về phim TVB Mình biết câu này khi xem phim Phong thần bảng của TVB (Đát Kỷ - Trụ Vương). Đây là đoạn sơ lược về câu nói trong phim: Nước mắt của nam nhi chỉ rơi khi họ cảm thấy xứng đáng! Tình mẫu tử là thiêng liêng và vô cùng cao quý. Cho dù con có hư, có ngang bướng cứng đầu ra sao "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" nhưng tình máu mủ ruột thịt làm sao mẹ có thể bỏ con được, mẹ vẫn sẽ dõi theo con, đùm bọc và che chở con. "千金难买一回头 - Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" đến giờ thì con đã hiểu được câu nói ấy mẹ à! Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu có nghĩa là mình không chỉ để ý những gì trước mắt mà còn phải trân trọng những người trư