Chuyển đến nội dung chính

Giấc mộng Nam Kha – Đời người tựa giấc chiêm bao

Người xưa vẫn thường nhắc đến “Giấc mộng Nam Kha”, chính là chỉ về những thứ vô thực, những thứ vượt xa tầm tay với của con người. Kỳ thực, điều nó muốn ám chỉ nhất chính là “nhân sinh như mộng ảo”, đời người như một giấc chiêm bao…



Điển tích 1

Vào thời nhà Đường có một người tên Thuần Vu Phần, tính tình nghĩa hiệp hào phóng, mỗi tội ham thích uống rượu, từng làm đến chức phó tướng, nhưng vì đắc tội với trưởng quan mà bị giáng chức, từ đó về sau phóng túng bản thân, uống rượu quá độ đến mức sinh bệnh.
 
Nhà của Thuần Vu Phần ở phía Đông quận Quảng Lăng, trong nhà có một cây hòe lâu năm, cành lá sum xuê tươi tốt. Một ngày, có hai người bạn dìu anh ta về nhà, nói: “Huynh hãy nghỉ ngơi một lát, chúng tôi đi cho ngựa ăn, rửa chân, chờ huynh khỏe lại rồi chúng ta đi tiếp”.
Thuần Vu Phần tựa đầu vào gốc hòe, trong lúc mơ mơ màng màng thì trông thấy hai sứ giả áo tím đi tới bái kiến, nói: “Quốc vương nước Hòe An phái chúng tôi tới đây mời ngài đi một chuyến”.
Thuần Vu Phần bất tri bất giác theo họ lên một cỗ xe màu xanh, hướng gốc cây hòe mà lao tới. Sau khi tiến vào bên trong, thấy 2 ven đường có sông có núi, con đường cũng giống như tại nhân gian, tuy nhiên, đó xác thực là một thế giới khác.
Lúc tiến vào trong thành, trên cổng thành có đề 4 chữ “Đại Hòe An Quốc”. Một số quan viên đã chờ sẵn, nghênh đón Thuần Vu Phần vào nội cung.

Ngồi phía trên đại điện là một vị Quốc vương cao lớn, uy vũ. Ông ta nói với Thuần Vu Phần: “Phụ thân của ngươi không chê đất nước chúng ta nhỏ bé, đã kết thông gia với ta, vậy giờ ta sẽ đem nhi nữ của ta gả cho ngươi”.
Cha của Thuần Vu Phần tham gia chiến đấu tại biên cảnh, đã bị quân địch bắt đi từ lâu mà không có tin tức gì, trong lòng anh ta cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng không dám hỏi thêm điều gì.
Tối hôm đó, Thuần Vu Phần cùng công chúa đẹp như tiên cử hành hôn lễ long trọng. Hết thảy lễ nghi ở không gian đó cũng không khác biệt gì mấy so với tại nhân gian. Cứ như vậy, Thuần Vu Phần sống một cuộc sống hạnh phúc cùng với công chúa của Hòe An quốc.
Một ngày, Thuần Vu Phần nói với Quốc vương: “Thần và cha đã 17, 18 năm không gặp nhau, nếu như đại vương biết ông ấy ở đâu, xin hãy cho thần được gặp ông ấy một lần”.

Quốc vương nói: “Ngươi có thể viết thư, ta sẽ gửi cho ông ấy, ngươi không cần tự mình đi”.
Thuần Vu Phần liền viết một lá thư gửi cho cha. Không lâu sau, anh đã nhận được hồi âm của cha, trong thư vẫn là những lời dặn dò ân cần, còn nói rằng bản thân đang ở một nơi xa xôi, không thể gặp mặt được. Cuối cùng cha anh nói một câu: “Đến năm Đinh Sửu, ta và con sẽ gặp lại nhau”.
Về sau, Thuần Vu Phần làm chức Thái thú quận Nam Kha, quyền uy càng ngày càng lớn, thế nhưng, công chúa đột nhiên mắc bệnh mà qua đời. Có vị Thượng thư đã tâu với Quốc vương, nói rằng những tai ương này đều là do quyền thế của Thuần Vu Phần quá lớn mới tạo thành như vậy.
Quốc vương trong tâm nảy sinh ngờ vực, liền nói với Thuần Vu Phần: “Ngươi rời quê hương đã lâu rồi, hãy trở về gặp thân tộc của ngươi đi”.
Thuần Vu Phần nói: “Đây chính là quê nhà của thần, còn phải đi về nơi nào nữa chứ?”
Quốc vương nói: “Ngươi vốn ở nhân gian, không phải ở chốn này”.
Thuần Vu Phần đột nhiên cảm giác được chính mình đang ở trong mộng cảnh, mơ mơ màng màng thật lâu, nhớ tới sự tình trước đây, liền rớt nước mắt mà thỉnh cầu được hồi hương.
Sau đó, anh ta cùng hai vị sứ giả lại đi dọc theo con đường ra khỏi gốc cây, thấy chính mình đang nằm tựa đầu vào cây, nghe thấy sứ giả hô lớn tên mình liền tỉnh dậy.
Sau khi tỉnh lại, anh ta trông thấy bằng hữu đang ngồi trên giường ngâm chân, mặt trời còn chưa xuống núi, ly rượu chưa uống cạn vẫn còn đang dang dở ở cửa sổ phía Đông. Hóa ra, ở không gian kia đã trôi qua một đời, nhưng tại nhân gian mới chỉ trong chốc lát.
Sau đó, Thuần Vu Phần nhìn thấy dưới gốc cây hòe có một hang động nhỏ, chặt đôi thân cây ra, phát hiện bên trong đó có hàng trăm con kiến, tập trung tại một nơi đang bảo vệ hai con kiến lớn. Hóa ra đây chính là Hòe An Quốc mà anh đã gặp trong giấc mộng.
Thuần Vu Phần nhớ lại những sự tình trước đây, hết thảy dấu vết trong mộng đều tương xứng, vì thế bừng tỉnh ngộ về nhân thế hư ảo, cảnh đời là ngắn ngủi, từ đó về sau dốc lòng tìm đạo tu hành, tránh xa tửu sắc. Ba năm sau thì đột ngột qua đời, năm đó chính là năm Đinh Sửu mà phụ thân anh ta đã từng nói.

Điển tích 2

Đời nhà Đường có một nho sinh họ Lữ đi thi không đỗ. Trở về, dọc đường, vừa buồn lại vừa đói nên ghé vào một ngôi chùa con bên cạnh khu rừng, xin đỡ lòng. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê thay gạo đãi khách.
Vì mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, nhà vua lại còn gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc đỗ đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lữ, đưa gươm kề họng... Lữ hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giựt mình thức dậy mới biết là chiêm bao.
Mà giữa lúc ấy nồi kê cũng chưa chín. 

Bàn luận

Trong văn chương thường dùng điển tích này với các từ ngữ: Giấc Nam Kha, giấc hòe, để chỉ cuộc đời là phù du mộng ảo; công danh phú quý như giấc chiêm bao.

Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:

Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.
 

Trong bài "Lạc đường" của Tú Xương cũng có câu:
Giấc mộng Nam Kha khéo chập chờn,
 

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:
Tiếng sen khẽ động giấc hòe.

Ngoài ra, trong các bài tán cúng cầu siêu cho hương linh quá cố có bài: 

“Nam Kha nhất mộng đoạn, Tây Vức cửu liên khai, phiên thân quy Tịnh Độ, hiệp chưởng lễ Như Lai (南柯一夢斷、西域九蓮開、飜身歸淨土、合掌禮如來, Nam Kha giấc mộng dứt, Tây phương chín sen khai, chuyển thân về Tịnh Độ, chấp tay lễ Như Lai).”

Trong "Bích câu kỳ ngộ" cũng có câu:
Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa an.
 

Cổ thi có câu:
Trăm năm một giấc kê vàng.

"Kê vàng" cũng gọi là gạo "hoàng lương", một thứ ngũ cốc nhỏ như cát, màu vàng. Nhà nghèo bên Tàu ngày xưa dùng kê để ăn thay gạo.
 

Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:
Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai.
 

"Giấc Nam Kha", "Giấc hòe", "Giấc mộng kê vàng" hay "Giấc hoàng lương" đều do điển tích trên. Có nghĩa sự phú quý vinh hoa chẳng khác nào một giấc mộng.


Nhận xét

  1. Điển tích 1 nghe có vẻ thuyết phục hơn điển tích 2, em nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ. Bởi vậy em cho điển tích 1 lên đầu :)). Lúc đầu em đọc bài thơ gì đó thấy có Nam Kha nên tìm thử, mới biết đây là điển tích. Em thấy 1 điều là người học văn thời xưa rất giỏi, thơ văn của họ toàn điển tích.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi

Hán Việt:  Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi (情人眼里出西施 - cing4 jan4 ngaan5 leoi5 ceot1 sai1 si1) Dịch nghĩa : trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Chú thích: Tây Thi (chữ Hán: 西施 - sai1 si1 ), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).  

Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy

Trên Yahoo hỏi đáp có câu trả lời hay quá, đăng lên cho mọi người tham khảo: Quân tử là từ dùng để chỉ những người biết cách xử thế, có học vấn trong xã hội phong kiến. Khái niệm này do Khổng Tử đưa ra để dạy con người biết cử xử, ăn ở, đối đãi giữa người với người, người với xã hội, người với thiên nhiên. Ví dụ như "Tam cương ngũ thường", "Tam cương" tức là 3 mối ràng buộc về mặt quan hệ trong xã hội gồm "Quân - Sư - Phụ" tức là "Vua - Thày dạy - Cha". Tam cương dạy người ta trên kính dưới nhường, là 3 loại người mà người quân tử phải thờ phụng, trung hiếu. Còn "Ngũ thường" tức là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Người quân tử phải biết yêu thương đồng loại (Nhân), phải có phép tắc tôn ti (Lễ), phải có tình nghĩa, phải có trí tuệ (tức là còn phải biết đi học và xử lý tình huống) và cuối cùng là phải biết giữ lời hứa (Tín). Xét về nghĩa đen thì còn có thể hiểu "Quân tử" là con vua, hoặc cũng có thể hiểu là Người (

Thiên kim nan mãi bất hồi đầu

Phiên âm: 千金难买一回头 Dịch nghĩa:  Ngàn vàng không mua được một lần quay đầu sám hối. Lời bình: "có nghĩa là thời khắc qua rồi không lấy lại được,do đó nên biết quý trọng những gì trước mắt, không chỉ những gì trước mắt mà còn những người trước mắt, nếu không khi mất đi có hối cũng muộn rồi.". Một chút lạc đề về phim TVB Mình biết câu này khi xem phim Phong thần bảng của TVB (Đát Kỷ - Trụ Vương). Đây là đoạn sơ lược về câu nói trong phim: Nước mắt của nam nhi chỉ rơi khi họ cảm thấy xứng đáng! Tình mẫu tử là thiêng liêng và vô cùng cao quý. Cho dù con có hư, có ngang bướng cứng đầu ra sao "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" nhưng tình máu mủ ruột thịt làm sao mẹ có thể bỏ con được, mẹ vẫn sẽ dõi theo con, đùm bọc và che chở con. "千金难买一回头 - Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" đến giờ thì con đã hiểu được câu nói ấy mẹ à! Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu có nghĩa là mình không chỉ để ý những gì trước mắt mà còn phải trân trọng những người trư