Chuyển đến nội dung chính

Loạt phim The Good Place và những bài học lớn trong đời

Đây là bài viết do Gấu Mèo Thức Khuya biên tập, đã được sử dụng dưới hashtag #MaybeOriginal, là tài sản thuộc về hệ sinh thái Maybe, cụ thể là các Page, Group hoặc Website Maybe.vnLost Bird. Bài viết được re-up trên Blog cá nhân của người viết vì mục đích lưu trữ. Mọi sự trùng lắp trên các Website hoặc Page và Group khác đều là sao chép mà không có sự cho phép bởi người sở hữu của hệ sinh thái Maybe hoặc người viết.

Các bạn có thể đọc bài viết gốc TẠI ĐÂY.

– Gấu Mèo Thức Khuya

The Good Place là series dài 4 phần của đài NBC, được sáng tạo bởi Michael Schur, người đứng sau nhiều series tuyệt vời khác như Brooklyn Nine-Nine, The Office (Mỹ), Parks and Recreation, Master of None… Câu chuyện xoay quanh 4 con người đã chết và linh hồn được đưa tới The Good Place, tạm hiểu là thiên đường nơi họ được thỏa mãn mọi nhu cầu. Cho đến khi họ nhận ra mình rơi vào trò chơi của quỷ và bắt đầu hành trình chiến đấu để không bị rơi vào Bad Place, nơi được xem là địa ngục.

Loạt phim The Good Place và 8 bài học lớn trong đời - The Good Place

Thoạt nghe thì câu chuyện về 4 con người chưa-hoàn-thiện-lắm phấn đấu thành người tốt để được lên thiên đường thông qua triết học đạo đức nghe có vẻ khô khan và sáo mòn. Thế nhưng, như mọi loạt phim được đánh giá cao khác của Michael Schur, The Good Place được triển khai hết sức mượt mà, hóm hỉnh, cùng diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên đa sắc tộc và rất có thực lực.

Loạt phim The Good Place và 8 bài học lớn trong đời - The Good Place

The Good Place là tác phẩm đẹp tuyệt vời mà mà người xem có thể cảm thấy gắn bó với nhân vật, để rồi khi kết thúc tựa phim, bạn cũng sẽ nhận ra thay đổi đáng kể ở bản thân. Michael Schur cùng đội ngũ sản xuất cũng đã phải đọc và học một lượng lớn các tác phẩm triết học đạo đức để có thể lồng ghép vào phim. Trong đó, xương sống của loạt phim chính là tư tưởng trong quyển “What We Owe To Each Other” của T.M. Scanlon.

Loạt phim The Good Place và 8 bài học lớn trong đời - The Good Place

Tư tưởng triết học đạo đức trong The Good Place sẽ được Gấu Mèo trình bày kỹ hơn trong bài viết khác. Trong bài viết này, chúng ta hãy điểm lại những bài học cuộc sống khác, gần gũi hơn mà loạt phim truyền tải. Đương nhiên, The Good Place có ti tỉ bài học chứa đựng trong từng câu thoại, trong câu chuyện của từng nhân vật, nhưng sau đây là những bài học lớn nhất, là tinh hoa của cả phim.

CHÚ Ý: Nội dung sau tiết lộ kết phim

1. Con người không phải tốt hay xấu, mà là có tiến bộ hơn được không

the-good-place-quotes

Trong vũ trụ của The Good Place, từ thuở khai thiên lập địa, con người đã được chấm điểm thông qua từng hành động của họ. Theo đó, điểm cao đạt chuẩn sẽ được lên Chốn Tốt Đẹp, điểm thấp sẽ đày xuống Chốn Xấu Xa. Cứ thế qua hàng triệu năm con người cứ được phân loại tốt, xấu dựa theo những gì họ làm khi còn sống.

Thế nhưng dần dà thế giới không còn đơn giản như thế nữa và hệ thống chấm điểm này không còn công bằng. Nửa cuối loạt phim, 6 nhân vật chính nỗ lực chứng minh cho Thẩm Phán vũ trụ thấy rằng hệ thống đã lỗi thời và con người không đơn giản chỉ có tốt và xấu. Con người có thể trở nên tốt hơn nếu được cho cơ hội và đó là việc vũ trụ cần làm là xây dựng một kiếp sau nơi con người được phấn đấu lần nữa.

Hai nhân vật thể hiện rõ nhất tư tưởng này là Eleanor Shellstrop Jason Mendoza. Lớn lên trong môi trường xấu, cả hai đã có cuộc đời tồi tệ và trở thành những con người tồi tệ sát đáy nếu xét theo tiêu chuẩn xã hội. Khi được trao cơ hội ở kiếp sau, Eleanor và Jason đã bộc lộ nhiều điểm sáng và có hành trình phát triển bản thân phi thường (các bạn có thể đọc bài viết về Jason tại đây).

Tuy nhiên, trong phim, các nhân vật đã trải qua rất nhiều kiếp sau, rất nhiều Bearimy (nếu xem phim bạn sẽ hiểu khái niệm thời gian này), còn con người chúng ta trong đời thực lại không có nhiều cơ hội như thế. The Good Place là lời nhắc nhở nhẹ nhàng chúng ta qua câu thoại của nhân vật Chidi Anagonye: “Cuộc sống không phải trò chơi giải đố mà mà bạn cứ giải xong là hết. Đó là câu đố mà mỗi ngày thức dậy, ta lại phải giải thêm một lần nữa”. Mỗi ngày thức dậy, hãy bắt đầu trò chơi câu đố của mình và ngày hôm sau phải khá hơn ngày hôm qua.

2. Tri kỷ phải được tạo ra, không phải tìm thấy

the-good-place-quotes-tv-series

Điều bất ngờ nhất mà mùa cuối The Good Place mang lại đó là câu hỏi cả đời của Chidi. Chidi – một giáo sư triết học đạo đức – đã sống một đời do dự, tin rằng mọi câu hỏi đều phải có câu trả lời. Và hóa ra câu hỏi anh băn khoăn nhiều nhất, hơn cả câu hỏi về vũ trụ, đó là “Liệu tri kỷ có thật hay không?”.

Người giải đáp câu hỏi đó cho anh hóa ra lại không phải là con người, đó là Michael, ác quỷ đã hành hạ nhóm Chidi lên bờ xuống ruộng lúc đầu. Michael không thể có cảm giác như một con người nhưng thông qua quan sát và nghiên cứu nhóm bạn, ông đã rút ra kết luận hợp lý nhất: “Tri kỷ nếu có thì phải do mình tạo ra. Chúng ta gặp nhau, cảm thấy tốt đẹp và bắt tay xây dựng mối quan hệ”.

Chidi và Eleanor không phải là hai con người hợp nhau nhất và chẳng có vẻ gì là “tri kỷ” theo tưởng tượng của Chidi. Nhưng vượt qua bao sóng gió, cả hai bắt đầu phát triển bản thân, phát triển thế giới xung quanh họ và cùng thỏa hiệp, vun đắp cho mối quan hệ. Đó không phải là kiểu gượng ép cố sống cố chết dù thấy đầy red flag, mà là hai con người quyết tâm bỏ qua những trở ngại vụn vặt mà tiến lên vì giá trị cốt lõi chung.

3. Hạnh phúc là đấu tranh mà có

the-good-place-series

Tài năng của đội ngũ sản xuất The Good Place nằm ở đây, trong tập phim “Patty”. Khi tất cả đều đã đến được Chốn Tốt Đẹp, thì hóa ra đó không phải là thiên đường như họ tưởng. Từ đó dẫn đến hiện trạng hẳn dễ hiểu cho tất cả chúng ta: hạnh phúc không còn là hạnh phúc nếu nó trở thành một “bình thường mới”, khi ấy não được thỏa mãn mọi nhu cầu rồi, không có gì kích thích được nó nữa và ta sẽ lại buồn chán.

the-good-place-gaumeothuckhuya.com_

Thế nên về sau, nếu có trải qua khó khăn nào, hoặc có đôi lần buồn bã vì tính hư vô của cuộc đời, hãy nhớ rằng: Cuộc đời có hữu hạn, ta mới tranh thủ những năm tháng ngắn ngủi mà sống cho trọn vẹn. Cũng như cuộc đời không phải lúc nào cũng là chốn tốt đẹp, nhưng có ngày mưa ta mới quý trời nắng ráo, nằm đất ăn đá mới trân trọng giường êm cơm trắng.

4. Không thể đánh giá một con người nếu chưa biết hoàn cảnh của họ

Trong tập phim “Chidi Sees the Time-Knife”, Jason đã có khoảnh khắc tỏa sáng đầu tiên. Đây là nhân vật xuất hiện từ đầu với hình ảnh ngớ ngẩn, IQ thấp và không có nhiều triển vọng lắm trong con đường phát triển bản thân. Thế nhưng Jason Mendoza là nhân vật thông minh kiểu khác và có tính thiền rất cao. Điều này sẽ được Gấu Mèo trình bày rõ hơn trong bài viết khác.

the-good-place-jason-quotes

Đối đầu với Thẩm Phán, Jason đã có màn ăn nói mạch lạc đầu tiên:

Để tôi kể cho nghe về một gã trong nhóm nhảy Jasonville của tôi có tên là Big Noodle. Tôi từng mắng vào mặt Big Noodle vì luôn đến buổi tập muộn. Rồi một ngày cái đầm lầy dưới nhà tôi bị ngập, tôi cần chỗ tá túc nên đã ngủ nhờ nhà Big Noodle. Hóa ra anh ta vật lộn với 3 công việc để chăm sóc cho 4 cụ ông cụ bà, mấy người này nằm chung giường, như trong Willy Wonka.

Sau đó tôi không mắng Big Noodle vì đến muộn nữa, vì tôi biết anh ta khó khăn thế nào mới đến được. Và anh ta chắc chắn không có thời gian tìm tòi nên mua loại cà chua nào, ngay cả khi anh ta muốn thế. Bà đâu thể phán xét con người vì đâu biết chúng tôi đã trải qua những gì.

Jason Mendoza – The Good Place

Nếu xét theo hệ thống chấm điểm cũ, chắc chắn không một người hiện đại nào có thể đến được The Good Place vì chỉ cần mua một quả cà chua thôi cũng là vô tình ủng hộ phá hoại môi trường, mua một chiếc áo là tiếp tay nạn buôn người và bóc lột lao động. Tốt xấu không còn có thể được phân định bằng danh sách quy chuẩn dù là ở thời đại nào, bởi “Mỗi ngày thế giới lại phức tạp hơn một tí và làm người tốt ngày càng khó khăn hơn”.

Đạo đức học là phạm trù phức tạp và các học thuyết hằng ngày vẫn đối kháng, phản biện nhau để tìm chỗ đứng trong quy cách hành xử của con người. Hiện tại, con người chúng ta hành xử chủ yếu theo “nguyên tắc vàng”: đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử.

5. Cuộc sống không phải là trả lời tất cả một cách lý tính

Dù ai nói ngả nói nghiêng, người viết vẫn thấy tập phim “The Answer” của mùa 4 cực kỳ xuất sắc và đầy cảm xúc. Tuy nó phảng phất hình bóng Yoda với “Love is all you need”, nhưng không phải động lực xuyên suốt The Good Place là tình người, bao gồm tình yêu đó sao? Đến tập này thì The Good Place thể hiện rõ quan điểm ủng hộ: đạo đức được quyết định bằng cảm xúc chứ không phải thuần lý tính.

the-good-place-the-answer

Để hiểu rõ học thuyết này, bạn có thể tìm đọc quyển Tư Duy Đạo Đức của Jonathan Haidt, cũng như tìm hiểu lịch sử triết học đạo đức với các học thuyết khác nhau. The Good Place đồng tình với Immanuel Kant ở quan điểm “Hành động bất kể đối với bản thân chúng ta hay với người khác, luôn luôn phải là một mục đích đúng đắn chứ không đơn thuần chỉ là một phương tiện.“, nhưng chắt lọc nhẹ nhàng phản đối ông khi trích dẫn David Hume “Lý trí là, và chỉ nên là nô lệ của những đam mê…”

Chidi đã có bước chuyển mình hoàn toàn sau khi được quan sát cuộc đời và 800 phiên bản khác của mình ở góc nhìn thứ 3. Trong mảnh giấy anh nhờ Janet giữ hộ, “Không có câu trả lời nào” chứng tỏ anh đã từ bỏ chấp niệm cả đời của mình. Thế nhưng, “Eleanor là câu trả lời”, cuộc đời là câu đố không thể giải xong được, nên chỉ còn câu trả lời cho mỗi con người. Đối với Chidi, đáp án cho câu hỏi tri kỷ cũng như động lực cho hành động tiếp theo của anh chính là Eleanor.

6. Sự viên mãn nằm ở những điều nhỏ bé

Loạt phim The Good Place và 8 bài học lớn trong đời - The Good Place

Cảm giác đủ đầy đôi khi không đến từ những thứ to tát nhất. Đặc ân lớn lao của những người đến được The Good Place đó là được “ra đi” bất cứ khi nào họ thấy thỏa mãn. Có những người ra đi từ sớm, có những người vấn vương mãi vì còn nhiều việc phải lo liệu. Nhưng điểm chung đó là dù sống tại The Good Place, nơi mọi mơ ước đều thành hiện thực, họ cảm thấy an tâm bởi những khoảnh khắc nhỏ nhoi nhất: chơi hoàn hảo một trận game, nhìn người mình yêu quây quần bên gia đình, hoàn thành nghĩa cử cho một người bạn…

Trong cuộc sống chúng ta cũng bắt gặp những khoảnh khắc hạnh phúc đơn giản như thế. Bạn không cần phải giải cứu cả hành tinh, hay nằm trong top người giàu trước 30 tuổi mới cho bản thân cảm giác đủ đầy. The Good Place có thể cho bạn sống trong biệt thự, một con tàu không gian, có thể biến ra ly nước mát trong nháy mắt,… nhưng có những thứ như hàn gắn gia đình, hạnh phúc bên người yêu thương nhất, hay cảm giác làm người, đó là những thứ tự thân bạn phải phấn đấu đạt được.

7. Vì đại nghiệp, hãy sẵn sàng để thế hệ sau kế tục di sản

Kết thúc loạt phim, tất cả nhân vật đều để lại di sản lớn lao: thay đổi hệ thống phân loại lỗi thời, cứu rỗi nhân loại ở kiếp sau. Đó là công việc, hành trình mà Michael tự hào nhất, cho đến khi ông đối mặt với hiểm họa từ những người đến sau xuất sắc.

the-good-place-season-4

Tôi buồn vì cả trăm năm nay tôi có một công việc. Đầu tiên là cải tiến cách tra tấn con người, rồi giúp họ, tiếp theo là chứng minh hệ thống đã phế, rồi dạy dỗ bọn quỷ. Tôi vần đá lên đồi hết lần này đến lần khác. Mà nó cứ lăn xuống, nên tôi cứ phải làm lại. Rồi Vicky đến, đem theo máy nâng đá và bốc nó lên tới đỉnh luôn. Đẩy đá lên đồi cho tôi một mục đích. Tôi là ai… Khi không còn khối đá đó?

Michael trong The Good Place

Michael đã gặp “khủng hoảng tuổi trung niên” đầu tiên trong cuộc đời vĩnh hằng của mình, như một người bình thường mà ông không nhận ra. Con người cũng gắn mục đích mình với công việc, sự nghiệp và khi mất đi nó, họ như mất đi danh tính. Đối mặt với tình cảnh đó, Janet đã xoa dịu Michael bằng một lời khuyên cũng mang tính “thiền” hệ như anh bạn trai Jason của mình “Hãy tập trung vào nó [thành công của Vicky], chuyện tương lai hãy để tương lai tính”.

Một lần nữa, Michael đã hành động quên mình như mọi khi, nhường vị trí lại cho Vicky, ác quỷ nhiệt huyết và khéo léo hơn trong việc đào tạo hệ thống mới.

8. Chúng ta trưởng thành khi được gắn kết với nhau

Cuối cùng, không thể không nhắc tới yếu tố đã khiến hành trình thay đổi kiếp sau trở nên phi thường, đó là sự gắn bó giữa các thành viên của Team Cockroach. Trong bất kỳ hành trình nào, người anh hùng cũng không thể chiến thắng nếu không có sự tương trợ của những người bạn.

Nếu không có sự kiên nhẫn của Chidi, chắc chắn Eleanor sẽ không tin và không thể thay đổi bản thân. Không có Eleanor, Tahani sẽ không ngừng tự đặt gánh nặng lên bản thân và mãi so sánh mình với người khác, không có “những con gián” này, ác quỷ Michael sẽ không biết đến tình bạn, không thể trải nghiệm cảm giác làm người. Định mệnh tất cả những con người đầy khác biệt này vô tình xoắn lấy nhau và họ phải tìm cách để dung hòa và đồng hành cùng nhau.

the-good-place-cast-members

Eleanor, Chidi và Tahani là những con người có thể suy nghĩ lý tính; Jason đại diện cho cảm tính. Còn Michael và Janet là hai thực thể không phải con người, không cảm nhận được như loài người, họ đứng ở vị trí thứ 3, theo dõi khách quan hành động của con người. Tất cả cùng thỏa hiệp và dìu dắt nhau qua hành trình phi thường nhất vũ trụ.

Đây chính là xương sống của loạt phim: cuốn sách What We Owe To Each Other (Điều chúng ta nợ nhau) của T.M. Scanlon. Nói một cách ngắn gọn, trong cuốn sách của mình, Scanlon đề xuất thuyết khế ước. Theo ông, cuộc sống tốt đẹp hay không phụ thuộc vào cách con người sống với nhau bằng các giá trị tích cực. Trong đó, chúng ta nên đối xử với đối phương theo các giá trị người đó cho là hợp lý (hành động họ không thể biện luận là sai). Chúng ta “nợ” nhau cách đối xử mà bên kia mong muốn với tư cách con người.

Đây cũng là tư tưởng khép lại loạt phim, khi Chidi không còn cảm thấy hạnh phúc ở The Good Place nữa và muốn “ra đi” trước Eleanor. Trong bữa tối chia tay, cô đã nói “Em đề ra quy luật rằng các Chidi không được phép ra đi vì như thế sẽ khiến các Eleanor buồn. Em có thể làm điều này mãi mãi. Lôi anh đi khắp vũ trụ, ngắm nhìn những thứ tuyệt vời. Nhưng em vẫn không thể nào tìm ra được lý lẽ khiến anh ở lại… Vì đó là quy luật ích kỷ. Em nợ anh việc để anh ra đi”. Nếu Eleanor cứ cố níu kéo người yêu khi họ không còn lý do ở lại, đó là hành vi vi phạm quyền lợi đáng có của anh, chỉ để thỏa mãn mong muốn của riêng cô.

Giáo sư T.M. Scanlon cũng đã xem và xác nhận rằng The Good Place đã thể hiện khéo léo tư tưởng ông muốn truyền tải trong sách.

Nhận xét

  1. Tư Duy Đạo Đức của Jonathan Haidt:
    Theo ông, để sống đạo đức, phải hiểu cách thức hình thành tư duy; phải tìm cách để vượt qua sự tự mãn tự nhiên của bản thân; phải tôn trọng và thậm chí học hỏi từ những người có đạo đức khác với chính chúng ta. Những nghiên cứu của Jonathan Haidt đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành tâm lý học đạo đức.

    Trả lờiXóa
  2. Chủ nghĩa khế ước (trong tiếng Anh: Contractualism) là một ý tưởng hợp pháp hóa cho sự biện minh về mặt đạo đức và thể chế của các hệ thống pháp luật nhà nước. (thuật ngữ này là một thành phần gia đình cho tất cả các lý thuyết hợp đồng về xã hội học bao gồm cả khế ước xã hội).[1] Có thể chấp nhận sự đồng ý thực tế của các bên đối với một giao kèo như một tiêu chí hoặc hợp đồng giả định (thỏa thuận có được của tất cả các bên liên quan), hoặc về đạo đức học được phát triển trong những năm gần đây bởi nhà triết học người Mỹ Thomas Scanlon, đặc biệt là trong cuốn sách What We Owe to Each Other (xuất bản năm 1998)

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi

Hán Việt:  Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi (情人眼里出西施 - cing4 jan4 ngaan5 leoi5 ceot1 sai1 si1) Dịch nghĩa : trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Chú thích: Tây Thi (chữ Hán: 西施 - sai1 si1 ), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).  

Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy

Trên Yahoo hỏi đáp có câu trả lời hay quá, đăng lên cho mọi người tham khảo: Quân tử là từ dùng để chỉ những người biết cách xử thế, có học vấn trong xã hội phong kiến. Khái niệm này do Khổng Tử đưa ra để dạy con người biết cử xử, ăn ở, đối đãi giữa người với người, người với xã hội, người với thiên nhiên. Ví dụ như "Tam cương ngũ thường", "Tam cương" tức là 3 mối ràng buộc về mặt quan hệ trong xã hội gồm "Quân - Sư - Phụ" tức là "Vua - Thày dạy - Cha". Tam cương dạy người ta trên kính dưới nhường, là 3 loại người mà người quân tử phải thờ phụng, trung hiếu. Còn "Ngũ thường" tức là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Người quân tử phải biết yêu thương đồng loại (Nhân), phải có phép tắc tôn ti (Lễ), phải có tình nghĩa, phải có trí tuệ (tức là còn phải biết đi học và xử lý tình huống) và cuối cùng là phải biết giữ lời hứa (Tín). Xét về nghĩa đen thì còn có thể hiểu "Quân tử" là con vua, hoặc cũng có thể hiểu là Người (

Thiên kim nan mãi bất hồi đầu

Phiên âm: 千金难买一回头 Dịch nghĩa:  Ngàn vàng không mua được một lần quay đầu sám hối. Lời bình: "có nghĩa là thời khắc qua rồi không lấy lại được,do đó nên biết quý trọng những gì trước mắt, không chỉ những gì trước mắt mà còn những người trước mắt, nếu không khi mất đi có hối cũng muộn rồi.". Một chút lạc đề về phim TVB Mình biết câu này khi xem phim Phong thần bảng của TVB (Đát Kỷ - Trụ Vương). Đây là đoạn sơ lược về câu nói trong phim: Nước mắt của nam nhi chỉ rơi khi họ cảm thấy xứng đáng! Tình mẫu tử là thiêng liêng và vô cùng cao quý. Cho dù con có hư, có ngang bướng cứng đầu ra sao "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" nhưng tình máu mủ ruột thịt làm sao mẹ có thể bỏ con được, mẹ vẫn sẽ dõi theo con, đùm bọc và che chở con. "千金难买一回头 - Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" đến giờ thì con đã hiểu được câu nói ấy mẹ à! Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu có nghĩa là mình không chỉ để ý những gì trước mắt mà còn phải trân trọng những người trư