Chuyển đến nội dung chính

Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình ...

Nhân gian tự hữu hoa như vũ
Thiếp thị hoa trung đệ kỷ nhân
Cuộc đời vô tình, tạo hóa khéo trêu ngươi, có chăng trách hữu duyên mà vô phận. Bởi lẽ tình yêu và thân phận mãi là câu hỏi trên cõi nhân gian. Phần nhiều là xót xa, vô vọng, như cánh hoa rơi nổi trôi trong dòng nước vô tình.

Đâu có nhiều mối duyên nợ kỳ lạ như "thiên ý" trong cuộc đời.
Tích xưa kể rằng: Đời nhà Đường có chàng thư sinh tên Vô Hựu một hôm lang thang thơ thẩn bên dòng nước Bích Câu. Chợt chàng bắt gặp một chiếc lá đỏ dập dềnh trôi xuôi như vương vấn, chờ đợi chàng lãng tử. Chàng vớt chiếc lá lên xem thì thấy trong lá có đề thơ:
Nước chảy sao mà vội
Cung sâu cả buổi nhàn
Ân cần khuyên lá thắm
Đi mãi tới nhân gian…
Những lời thơ như tiếng lòng thổn thức của một cung nữ sống trong cô đơn, buồn tẻ khiến tâm hồn chàng thi sĩ rung lên nỗi đồng cảm. Chàng mang chiếc lá đỏ về cất giữ như một người bạn tri âm.

Nguyên dòng nước đó chảy ra từ cung vua, Vô Hựu cảm khái cũng lấy một chiếc lá đỏ đề thơ họa lại rồi lên thượng nguồn dòng nước thả xuống. Như một lời cảm thông, như một sự khắc khoải, vừa chờ đợi, vừa hy vọng...

Đã nghe lá thắm đề thơ oán
Trên lá đề thơ định gởi ai?
Kỳ lạ thay, hay hữu duyên thay, cung nhân tên Hàn Thuý Tần là người thả chiếc lá đó lại bắt được chiếc lá đề thơ của Vu Hựu. Nàng như được sưởi ấm cõi lòng với người bạn tri kỷ không biết mặt biết tên.


Vài năm sau, nhà vua thải ra 3000 cung nữ, trong đó có Hàn Thúy Tần. Chàng trai Vu Hựu vô tình gặp gỡ và cưới Hàn thị. Hai người nên duyên mà cũng không hề biết chuyện lá đỏ đề thơ. Một hôm vô tình Vô Hựu tìm thấy chiếc lá đề thơ của mình cất trong rương của vợ và mới biết được nỗi lòng của người cung nữ đa tình, tài hoa khi xưa.

Mối tình "lá thắm đề thơ" đã trở thành điển tích văn học diễn tả mối nhân duyên trời định.

Nhưng cuộc đời đâu hữu ý, tình người đâu luôn gặp nhân duyên?
Lạc hoa hữu ý, lưu thủy vô tình
Cánh hoa rơi in bóng xuống dòng nước nhưng nước đâu có lưu tâm ghi lại bóng hình. Nước thật vô tình cuốn hoa theo dòng trôi, trôi đi, xa mãi. Cuộc đời cũng vậy, mọi chuyện rồi cũng như cánh hoa trôi theo dòng nước, rồi cũng trôi xa. Cái tình của cánh hoa sao lưu luyến, cái vô tình của dòng nước sao thờ ơ.

Có những thứ ta chẳng mong đợi thì lại đến. Có những thứ thì với mãi mà vẫn xa tầm tay. Mới hay tình cảm không bao giờ được cho là đủ, thân phận không bao giờ được xem là tròn.

Có ý trong hoa, hoa chẳng nở
Vô tình gieo liễu, liễu xanh um

Chẳng phải thuyết giáo nhà Phật đã dạy sung sướng hay khổ đau đều do chúng sinh tự nhận thấy đó sao. Cho là đủ thì là đủ, cảm thấy khuyết thì là khuyết. Và nhân duyên, người ta vẫn cho là trời định hết nhưng phần lớn đều do lòng người cả. Có tình yêu, có đam mê, con người vẫn tự tạo cho mình những gặp gỡ mà nên duyên nên phận đó thôi.

Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy
Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa 

Bonus:

Chuyện hôm qua như dòng nước chảy về đâu
Mãi xa ta không sao giữ được
Hôm nay lại có bao chuyện ưu phiền
Làm rối cả lòng ta

Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy xiết
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm.
Gió sớm mai thổi đi bốn phương
Xưa nay chỉ thấy người nay cười
Có ai nghe thấy người xưa khóc đâu ...

Nhận xét

  1. Sách "Tình sử" (Phùng Mộng Long, người đời Minh soạn) còn ghi thêm một đoạn: sau khi nhận ra chiếc lá đỏ, Hàn Thị lại làm một bài thơ "Tạ hồng diệp":

    Nhất liên giai cú tuỳ lưu thuỷ,
    Thập tải u tư mãn tố hoài
    Kim nhật khước thành loan phượng hữu
    Phương tri hồng diệp thị lương môi.

    Trả lờiXóa
  2. Trước ý tài hoa, hoa bất phát
    Vô tâm bón liễu, liễu thành âm.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi

Hán Việt:  Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi (情人眼里出西施 - cing4 jan4 ngaan5 leoi5 ceot1 sai1 si1) Dịch nghĩa : trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Chú thích: Tây Thi (chữ Hán: 西施 - sai1 si1 ), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).  

Thiên nhược hữu tình - Nếu trời xanh có tình

Tháng tám, năm Thanh Long nguyên niên đời Ngụy Minh Đế, vua hạ chiếu sai các quan trong cung dùng xe về phía tây, đem tượng tiên nhân cầm mâm vàng hứng sương của Hán Vũ Đế, về đặt trước cung điện, các cung quan làm gãy mâm, khi xe chuẩn bị kéo đi, tượng tiên nhân bỗng nhiên ngậm ngùi nhỏ lệ. Cháu trong hoàng tộc nhà Đường là Lý Trường Cát bèn làm bài thơ về pho tượng tiên nhân bằng đồng rời cung Hán. Hán Vũ Đế là vị vua hùng tài đại lược, có công trùng hưng Hán thất, đưa Trung Quốc đến buổi hoàng kim. Thuở sinh tiền, do ngạo khí kiêu hùng của bậc đế vương, muốn mình sánh ngang cùng trời đất nên Hán Vũ Đế cho dựng một tượng tiên nhân bằng đồng, hai tay bưng một mâm vàng hứng sương khuya từ mặt trăng rơi xuống để luyện thuốc trường sinh bất lão. Khi Vũ đế qua đời, người ta vẫn hằng đêm nghe tiếng ngựa hý ở nấm mộ của ông ở Mậu Lăng, sáng ra không còn dấu vết. Đến năm Thanh Long thứ nhất (233), Nguỵ Minh Đế Tào Toàn (người kế nghiệp Tào Phi) hạ chiếu cho người kéo tượng đồng...

Thiên kim nan mãi bất hồi đầu

Phiên âm: 千金难买一回头 Dịch nghĩa:  Ngàn vàng không mua được một lần quay đầu sám hối. Lời bình: "có nghĩa là thời khắc qua rồi không lấy lại được,do đó nên biết quý trọng những gì trước mắt, không chỉ những gì trước mắt mà còn những người trước mắt, nếu không khi mất đi có hối cũng muộn rồi.". Một chút lạc đề về phim TVB Mình biết câu này khi xem phim Phong thần bảng của TVB (Đát Kỷ - Trụ Vương). Đây là đoạn sơ lược về câu nói trong phim: Nước mắt của nam nhi chỉ rơi khi họ cảm thấy xứng đáng! Tình mẫu tử là thiêng liêng và vô cùng cao quý. Cho dù con có hư, có ngang bướng cứng đầu ra sao "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" nhưng tình máu mủ ruột thịt làm sao mẹ có thể bỏ con được, mẹ vẫn sẽ dõi theo con, đùm bọc và che chở con. "千金难买一回头 - Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" đến giờ thì con đã hiểu được câu nói ấy mẹ à! Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu có nghĩa là mình không chỉ để ý những gì trước mắt mà còn phải trân trọng những người trư...