Chuyển đến nội dung chính

Hàng Long Thập Bát Chưởng


Ít có tác giả tiểu thuyết võ hiệp nào lại sáng tạo ra được những môn võ công đa dang kì lạ và hấp dẫn người đọc như Kim Dung. Nào Nhất dương chỉ, nào Cà sa phục ma công, nào Vô tướng chỉ kiếp, nào Độc cô cửu kiếm, nào Hạc lệ cửu tiên thần công, nào Thiên thủ Như Lai chưởng... Với các tác giả võ hiệp cổ điển, võ học thường chỉ là một phương tiện vô danh thuộc về tất cả mọi người, ai cũng có thể học và sử dụng được, chính lẫn tà, song với Kim Dung, võ học đã được gán cho một linh hồn, một lí lịch riêng. Thông qua tên gọi, nó là tấm chứng minh thư xác định xuất xứ của người sử dụng. Ai cũng biết võ công trong tác phẩm Kim Dung hầu hết đều là... võ bịa nhưng chúng hấp dẫn người đọc ở chỗ Kim Dung đã, bằng kiến thức uyên bác và bút lực thâm hậu, lồng vào đó nhưng ý nghĩa hàm súc được rút ra từ kho tàng văn học và triết học phong phú của Trung Hoa. Rồi đến phiên nó, bản thân võ học phản ánh đúng nội dung của cái tên mà nó đã mang.

Có hai môn võ công mang những cái tên tương phản nhau nhưng đã gây nhiều ấn tượng cho người đọc, đó là Đả cẩu bổng phápHàng long thập bát chưởng, hai tuyệt kĩ trấn bang của Cái bang. Gậy thì dùng để đánh chó, còn đôi tay thì lại dùng để hàng phục rồng! Đem rồng là con vật linh thiên ở trên trời để tương phối với chó là con vật hèn mọn ở dưới đất, đây quả là chỗ thể hiện sự thông minh lẫn hài hước của Kim Dung. Đi ăn xin ắt sẽ bị chó cắn, cho nên phải cầm gậy theo để đánh chó. Lâu ngày môn gây đánh chó để tự vệ đó lại biến thành một tuyệt kĩ mà đến cả một đại ma đầu như Tây độc Âu Dương Phong cũng phải kiêng dè! Nhưng còn rồng ở đâu ra để mà hàng phục, với thân phận của kẻ ăn mày? Cái bang là thế lực mạnh nhất võ lâm với tai mắt khắp mọi nơi, lại thường hành hiệp trượng nghĩa khiến giang hồ đều ngưỡng mộ. Cái thế lực vô cùng mạnh mẽ đó chỉ có thể ví với con rồng là linh vật của phương Đông.

Môn Hàng long thập bát chưởng (có sách phiên âm là Giáng long thập bát chưởng. Chữ này có hai cách đọc là Hàng (hàng phục; bắt khuất phục) hoặc Giáng (rơi xuống; từ trên cao xuống) theo âm Hán Việt, tức xiáng hoặc jiàng theo âm Bắc Kinh). Là môn võ chí dương, và cương mãnh tuyệt luân, có khả năng hàng long phục hổ, do đó chỉ phù hợp với nam giơi, mà phải là người chính trực và kiêu dũng, như chính bản thân của môn võ đó. Trong tác phẩm Kim Dung, chỉ có ba người sử dụng được môn võ này là Hồng Thất Công, Quách Tĩnh và Tiêu Phong.

Hồng Thất Công nhờ vào Đả cẩu bỗng pháp và Hàng long thập bát chưởng mà tung hoành thiên hạ. Trong hai lần luận kiếm ở Hoa sơn, hai môn tuyệt kĩ trấn bang này đã đưa Cửu chỉ thần cái vào ngôi vị của một trong Võ lâm ngũ bá, trấn giữ phương Bắc: Bắc cái Hồng Thất Công. Đưọc hưởng chân truyền từ Hồng Thất Công, môn Hàng long thập bát chưởng trong tay Quách Tĩnh lại tiếp tục phát huy ưu điểm của môn võ công hùng hậu thuần dương để trấn áp quần hùng.

Nhưng phải đến tay Tiêu Phong thì môn tuyệt học đó mới khiến người đọc thật sự sảng khoái. Nhân vật kiêu dũng Tiêu Phong đã phát huy được môn Hàng long thật bát chưởng đến chỗ "bách xích can đầu" (*), như môn Độc cô cửu kiếm trong tay Lệnh Hồ Xung. Tư chất người sử dụng phải phù hợp với môn võ thì mới phát huy được diệu dụng. Thế lực bài sơn đảo hải của tuyệt kĩ trấn bang đó đã quét sạch mọi chướng ngại trên đường đi của nó, chỉ trừ một làn bị khuất phục bởi một nhục thân Bồ Tát: vị Vô danh tăng trong Tàng kinh các! Tại Tụ hiền trang, Tiêu Phong dùng Hàng long thập bát chưởng để trấn áp toàn bộ cao thủ hai phe chính tà, khiến ngời đọc thêm một phen thống khoái. Nhưng chính tại chùa Thiếu Lâm thì môn chưởng pháp đó mới thực sự "Phi long tại thiên" trong lòng người đọc. Khi Du Thản Chi, dưới lốt bang chủ Cái bang Trang Tụ Hiền, bị đánh bại dưới tay của Đinh Xuân Thu, và bọn môn đệ Tinh Tú tranh nhau tung hô võ công Tinh tú lão quái, thì cảnh tượng Cái bang thiếu Hàng long thập bát chưởng trông thật thiểu não và cay đắng làm sao. Tiếng quát bất ngờ "Ai bảo võ công phái Tinh Tú thắng được Hàng long thập bát chưởng?" của Tiêu Phong từ chân núi vọng lên, rồi cảnh Tiêu Phong bất ngờ dẫn bọn Yên vân thập bát kỵ phi tuấn mã rầm rập lên chùa Thiếu Lâm đúng vào lúc đó, với khí thế như thiên binh vạn mã, quả như tiếng sấm giữa trời quang. Vừa đặt chân đến nơi, Tiêu Phong đã dùng ngay tuyệt kĩ Hàng long thập bát chưởng đánh lui hai đại cao thủ Đinh Xuân Thu, Du Thản Chi và cướp lại A Tử khiến người đọc thấy tột cùng sảng khoái.

Người xưa cho rằng giữa mùa hè oi bức đã uống rượu say, không thể nào uống thêm đưọc nữa, bỗng nghe một tiếng sấm nổ, trời đổ một trận mưa giông xối xả, khí hậu êm dịu trở lại, khắp người thấy lâng lâng dễ chịu, bèn nâng chén uống tiếp; đó là một trong những điều thống khoái trong đời. Tiếng quát hùng hồn của Tiêu Phong vào thời điểm đó, dù chỉ trên trang giấy, nghe còn vang rền hơn cả tiếng sấm kia, và người đọc cũng thấy thống khoái, chỉ muốn nâng chén lên mà uống với người xưa!

Học được Hàng long Thập bát chưởng đều là những người có thiên bẩm về võ học, rồi tự mình khổ luyện chứ không hề có cơ duyên ăn dị vật hay kỳ hoa, dị thảo … Người luyện Hàng long Thập bát chưởng cũng hào sảng như bản thân đúng như tinh thần “quân tử tự cường bất tức” của quẻ Kiền.

Thế nhưng trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung, chưa bao giờ ông liệt ra đầy đủ 18 chiêu võ cương mãnh kinh người đó, và người đọc chỉ biết được một vài chiêu quen thuộc thường được các nhân vật sử dụng như “Kháng long hữu hối”, “Thần long bãi vĩ” …. Vậy 18 chiêu võ đầy đủ trong Hàng long Thập bát chưởng gồm những gì? Chúng tôi đã thử tra cứu và cũng chỉ liệt kê ra được tên của 13 chiêu. Hầu hết tên các chiêu đều lấy ý từ một quẻ (chủ yếu làquẻ Kiền) trong kinh Dịch. Quẻ Kiền là quẻ mở đầu kinh Dịch, được tượng trưng bằng con rồng. Con rồng có thể hiểu như là linh lực của trời đất hoặc như bản tâm của con người. Ý nghĩa của các quẻ đều rất uyên áo nên không thể trình bày được ở đây, nên chúng tôi chỉ xin được giải nghĩa sơ lược, và do đó sẽ rất thiếu sót, chỉ để người đọc hiểu thêm về tên gọi các chiêu trong môn chưởng pháp lý thú đó.

Tiềm long vật dụng 潛 龍 勿 用 : lời hào Sơ cửu của quẻ Kiền, có nghĩa : “như con rồng còn đang ẩn náu; không nên dùng”. Khi khí dương còn đang tiềm tàng, hoặc bản thể của tâm chưa được phát lộ thì không nên hành động.

Hiện long tại điề
n 見 龍 在 田 : lời hào Cửu nhị của quẻ Kiền, có nghĩa : “con rồng đã hiện ra trên mặt ruộng”. Lúc này khí dương bắt đầu xuất hiện, hoặc bản tâm đã bắt đầu được khai mở.

Hoặc dược tại uyên 或 躍 在 淵: hào Cửu tứ của quẻ Kiền, có nghĩa : “hoặc nhảy vào vực thẳm”. Đây là bước rẽ quyết định, con người từ bỏ thế giới rạch ròi của lý trí để đi vào thế giới huyền vi của tâm thức.

Phi long tại thiên 飛 龍 在 天: hào Cửu ngũ của quẻ Kiền, có nghĩa : “rồng bay lên trời”. Khí dương đã phát huy rực rỡ, hoặc con người đã khai mở được bản tâm để phát huy diệu dụng.

Kháng long hữu hối 亢 龍 有 悔: lời hào Thượng cửu của quẻ Kiền, có nghĩa : “con rồng lên cao quá sẽ có sự hối hận”. Hào dương ở ngôi cao nhất của quẻ thuần dương, như để tâm chìm đắm vào chỗ lưu đãng, hư huyền xa

Long chiến vu dã 龍 戰 于 野: lời hào Thượng lục của quẻ Khôn có nghĩa : “rồng đánh nhau nơi đồng nội”. Âm đã đến lúc cực thịnh nên tranh nhau với Dương.

Lợi thiệp đại xuyên 利 涉 大 川: có nghĩa : “có lợi trong việc lội qua sông lớn”, đây là lời thường dùng trong các quái từ, hào từ của kinh Dịch. “Đại xuyên“ là sông lớn, thường được dùng để ví với sự gian nan hiểm trở.

Hồng tiệm vu lục 鴻 漸 于 陸 : lời hào Cửu tam quẻ Tiệm, có nghĩa “con chim hồng dần bay đến đậu trên gò đất”. Quẻ Tiệm còn có tên là Phong sơn tiệm, do được tạo thành bởi quẻ Cấn (là núi) ở dưới và quẻ Tốn (là gió) ở trên. Ý nghĩa tượng trưng của Hồng tiệm vu lục là hào Cửu tam có vị trí trên cùng của quẻ Cấn, là hào dương xử ở ngôi dương, cương kiện năng tiến, do đó mới có tượng “con chim hồng dần bay lên đậu trên gò đất”.

Đột như kỳ lai 突 如 其 來 : tên đầy đủ là “đột như kỳ lai như“, lời hào Cửu tứ quẻ Ly, có nghĩa : “thình lình ập tới”. Trong hào Cửu tam thì sự đe dọa đã bắt đầu hiện ra dưới hình thức ngọn cầu vồng lấn át ánh nắng chiều, và đến hào Cửu tứ thì đột ngột chuyển thành hiện thực.

Chấn kinh bách lý 震 驚 百 里 : lời quái từ và lời thoán truyện của quẻ Chấn, có nghĩa:”tiếng sấm động vang xa hàng trăm dặm”.

Lý sương băng chí 履 霜 冰 至 : tên đầy đủ là “lý sương, kiên băng chí”, lời hào Sơ lục quẻ Khôn, có nghĩa : “dẫm trên sương, thì biết băng dày sắp đang tới”. Đây là tượng của khí âm mới sinh.

Thần long bãi vĩ
神 龍 擺 尾 : có nghĩa : “rồng thần quẫy đuôi”. Nguyên trong kinh Dịch không có câu này, mà chỉ có câu “Lý hổ vĩ, điệt nhân, hung” của hào Lục tam quẻ Lý, có nghĩa “đi sau cọp, đạp đuôi cọp, bị nó quay lại cắn, nguy hiểm”. Kim Dung giải thích tên chiêu này được lấy từ câu trên, để tả khí thế mạnh mẽ và hung dữ của chiêu thức. Người đời sau thấy chữ “hổ” không hợp trong môn chưởng pháp “hàng long” nên đổi thành “Thần long bãi vĩ”.

Song long thủ thủy 雙 龍 取 水 : có nghĩa : “hai con rồng lấy nước”. Chúng tôi chưa tra cứu được xuất xứ, có lẽ tác giả chỉ thuận tay dùng các thành ngữ quen thuộc trong kho tàng văn học Trung Quốc mà đặt tên, theo kiểu các chiêu “Giao long hý thủy”, “Lưỡng long tranh châu” … thường gặp các tiểu thuyết võ hiệp chứ không phải là câu được chọn ra từ kinh Dịch.

Tên các chiêu thức trong tác phẩm Kim Dung đều có hàm nghĩa rất thú vị, nếu hiểu được thì khi đọc sách ta sẽ thấy thích thú hơn. Trong Hàng long Thập bát chưởng, chúng tôi chỉ giúp bạn đọc tìm hiểu được 13 chiêu. Năm chiêu còn lại, rất mong bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu thêm. Khi Quách Tĩnh võ công còn non nớt, chỉ dùng một chiêu “Kháng long hữu hối” cũng đủ để đánh ngang ngữa với LươngTử Ông. Lê Sinh của Cái bang cũng chỉ dùng một chiêu “Thần long bãi vĩ” để gây khó cho Thiếu chủ Bạch đà sơn Âu Dương Khắc. Có được mấy cao thủ chống nỗi ba chiêu trong Hàng long Thập bát chưởng của Tiêu Phong? Chỉ với 13 chiêu này cũng đủ để “tung hoành thiên hạ” rồi, hà tất phải cần thêm? Dù sao trên đây cũng chỉ là phần lạm bàn lai rai cùng bạn đọc yêu Kim Dung. Như thế có lẽ là tạm đủ, nếu bàn thêm chỉ e sẽ “kháng long hữu hối"

( Hết )



-----------------------------

Thêm một số thông tin để mọi người hiểu rõ hơn

(*) Bách xích can đầu : trích trong câu " Bách xích can đầu tu tiến bộ, Thập phương thế giới thị toàn chân " ( 百 尺 干 頭 須 進 步, 十 方 世 界 是 全 真 ) thơ của thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm ( dịch nghĩa : tại chỗ chót vót của đầu trượng dài trăm xích vẫn cần bước thêm nữa, lúc đó chân tướng mười phương thế giới sẽ toàn nhiên hiển lộ). Ý nói đã đạt đạo, hiểu được tinh tuý, bản chất của sự vật.

18 chiêu thức của bộ chưởng pháp này theo wiki :

1. Phi long tại thiên (飛龍在天)
2. Kiến long tại điền (見龍在田)
3. Hồng tiệm vu lục (鴻漸於陸)
4. Tiềm long vật dụng (潛龍勿用)
5. Kháng long hữu hối (亢龍有悔)
6. Lợi thiệp đại xuyên (利涉大川)
7. Đột như kỳ lai (突如其來)
8. Chấn kinh bách lý (震驚百里)
9. Hoặc dược ư uyên (或躍於淵)
10. Song long thủ thủy (雙龍取水)
11. Ngư dược ư uyên (魚躍於淵)
12. Thời thừa lục long (時乘六龍)
13. Mật vân bất vũ (密雲不雨)
14. Tổn tắc hữu phu (損則有孚)
15. Long chiến vu dã (龍戰於野)
16. Lý sương băng chí (履霜冰絰)
17. Đê dương xúc phiên (羝羊觸藩)
18. Thần long bãi vĩ (神龍擺尾)
Huỳnh Ngọc Chiến

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi

Hán Việt:  Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi (情人眼里出西施 - cing4 jan4 ngaan5 leoi5 ceot1 sai1 si1) Dịch nghĩa : trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Chú thích: Tây Thi (chữ Hán: 西施 - sai1 si1 ), còn gọi là Tây Tử (西子), là một đại mỹ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư (沉魚).  

Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy

Trên Yahoo hỏi đáp có câu trả lời hay quá, đăng lên cho mọi người tham khảo: Quân tử là từ dùng để chỉ những người biết cách xử thế, có học vấn trong xã hội phong kiến. Khái niệm này do Khổng Tử đưa ra để dạy con người biết cử xử, ăn ở, đối đãi giữa người với người, người với xã hội, người với thiên nhiên. Ví dụ như "Tam cương ngũ thường", "Tam cương" tức là 3 mối ràng buộc về mặt quan hệ trong xã hội gồm "Quân - Sư - Phụ" tức là "Vua - Thày dạy - Cha". Tam cương dạy người ta trên kính dưới nhường, là 3 loại người mà người quân tử phải thờ phụng, trung hiếu. Còn "Ngũ thường" tức là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Người quân tử phải biết yêu thương đồng loại (Nhân), phải có phép tắc tôn ti (Lễ), phải có tình nghĩa, phải có trí tuệ (tức là còn phải biết đi học và xử lý tình huống) và cuối cùng là phải biết giữ lời hứa (Tín). Xét về nghĩa đen thì còn có thể hiểu "Quân tử" là con vua, hoặc cũng có thể hiểu là Người (

Thiên kim nan mãi bất hồi đầu

Phiên âm: 千金难买一回头 Dịch nghĩa:  Ngàn vàng không mua được một lần quay đầu sám hối. Lời bình: "có nghĩa là thời khắc qua rồi không lấy lại được,do đó nên biết quý trọng những gì trước mắt, không chỉ những gì trước mắt mà còn những người trước mắt, nếu không khi mất đi có hối cũng muộn rồi.". Một chút lạc đề về phim TVB Mình biết câu này khi xem phim Phong thần bảng của TVB (Đát Kỷ - Trụ Vương). Đây là đoạn sơ lược về câu nói trong phim: Nước mắt của nam nhi chỉ rơi khi họ cảm thấy xứng đáng! Tình mẫu tử là thiêng liêng và vô cùng cao quý. Cho dù con có hư, có ngang bướng cứng đầu ra sao "lóc xương trả cha, lóc thịt trả mẹ" nhưng tình máu mủ ruột thịt làm sao mẹ có thể bỏ con được, mẹ vẫn sẽ dõi theo con, đùm bọc và che chở con. "千金难买一回头 - Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu" đến giờ thì con đã hiểu được câu nói ấy mẹ à! Thiên kim nan mãi nhất hồi đầu có nghĩa là mình không chỉ để ý những gì trước mắt mà còn phải trân trọng những người trư