Ngụy
biện là cách nói chuyện hay lý luận nghe có vẻ đúng nhưng thực chất là
sai, nhằm mục đích thuyết phục người khác tin vào điều không đúng. Để dễ
hiểu, ngụy biện giống như khi ai đó dùng mẹo hoặc cách nói lắt léo để
làm người khác tưởng lầm, thay vì giải thích bằng lý do hợp lý.
Hôm rồi mình tình cờ đọc được bài về 37 loại nguỵ biện, thấy hay nên copy về chia sẻ với anh em.
1. Ngụy biện Công kích Cá nhân - Ad hominem
*“*Ngụy biện Công kích Cá nhân là một loại ngụy biện trong tranh luận, trong đó người đưa ra lý luận tấn công vào cá nhân của đối phương thay vì phản biện hoặc chỉ ra lỗi sai trong lập luận của họ. Cụ thể, thay vì tập trung vào luận điểm hoặc ý kiến mà đối phương đưa ra, người sử dụng ad hominem chuyển hướng tranh luận bằng cách chỉ trích tính cách, động cơ hoặc phẩm chất cá nhân của người đối thoại.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường đang tranh luận về một chủ đề kinh tế. Khi đuối lý thì Cường quay ra nói rằng Lâm không đủ tư cách nói chuyện kinh tế vì Lâm không có bằng đại học ngành kinh tế.
Hôm rồi mình tình cờ đọc được bài về 37 loại nguỵ biện, thấy hay nên copy về chia sẻ với anh em.
1. Ngụy biện Công kích Cá nhân - Ad hominem
*“*Ngụy biện Công kích Cá nhân là một loại ngụy biện trong tranh luận, trong đó người đưa ra lý luận tấn công vào cá nhân của đối phương thay vì phản biện hoặc chỉ ra lỗi sai trong lập luận của họ. Cụ thể, thay vì tập trung vào luận điểm hoặc ý kiến mà đối phương đưa ra, người sử dụng ad hominem chuyển hướng tranh luận bằng cách chỉ trích tính cách, động cơ hoặc phẩm chất cá nhân của người đối thoại.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường đang tranh luận về một chủ đề kinh tế. Khi đuối lý thì Cường quay ra nói rằng Lâm không đủ tư cách nói chuyện kinh tế vì Lâm không có bằng đại học ngành kinh tế.
→ Ví dụ: Lâm và Cường bàn luận chuyện chính trị, do có quan điểm khác nhau mà Trường chửi bới, lăng mạ cá nhân Lâm thay vì đi sâu bàn luận quan điểm chính trị một cách văn minh.
→ Trong thực tế, đây là một loại ngụy biện tranh luận thường gặp nhất, từ ngoài đời cho đến trong môi trường mạng xã hội. Rất phổ biến nhưng cũng là loại ngụy biện thể hiện tư duy thấp kém nhất, vì người sử dụng loại ngụy biện này không thể phân tích và chứng minh được tính đúng sai trong luận điểm của mình; mà thay vào đó dựa vào chửi bới, thóa mạ để tấn công người khác. Điều đáng buồn là ngụy biện này đôi khi được nhiều người dùng một cách có tổ chức, có chủ ý, dựa vào số đông, đặc biệt là trên mạng xã hội để chấm dứt các quan điểm tranh luận văn minh bằng thủ đoạn chửi bới nhằm gây bức bối, khó chịu.
2. Ngụy biện Đánh trống lảng – Red herring
“Ngụy biện Đánh trống lảng là một loại ngụy biện trong tranh luận, trong đó người tham gia tranh luận cố tình đưa ra một vấn đề hoặc thông tin không liên quan nhằm đánh lạc hướng cuộc thảo luận khỏi chủ đề chính. Mục đích của việc này là làm sao nhãng đối phương hoặc người nghe, khiến họ tập trung vào một điều gì đó không liên quan thay vì giải quyết vấn đề thực sự.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường đang tranh luận về việc liệu nhà máy xả thải ra môi trường biển khiến ô nhiễm là đúng hay sai, thì Cường lại cho rằng làm nhà máy là để tạo công ăn việc làm cho người dân → Việc tạo công ăn việc làm chỉ để mục đích đánh trống lảng, không liên quan gì đến tính đúng sai của hành động xả thải gây ô nhiễm.
3. Ngụy biện Xuyên tạc – Straw man
“Ngụy biện Xuyên tạc là một loại ngụy biện xảy ra khi ai đó cố tình bóp méo, làm đơn giản hóa hoặc xuyên tạc lập luận của đối phương để dễ dàng tấn công hơn. Thay vì đối mặt với lập luận thực sự, người sử dụng ngụy biện này tạo ra một "straw man" – một phiên bản yếu ớt và sai lệch của lập luận – để phản bác, khiến cho lập luận thực sự của đối phương trở nên dễ bị bác bỏ hơn.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường bàn luận về việc quản lý sử dụng súng tại Hoa Kỳ. Trong khi Lâm cho rằng nên điều chỉnh luật quản lý súng để tăng cường an ninh trật tự thì Cường lại cho rằng cấm sở hữu súng và tước quyền tự vệ của mọi người là phi pháp → Cường đã xuyên tạc lập luận của Lâm vì Lâm chưa bao giờ nói nên cấm sở hữu súng mà chỉ bàn luận về điều chỉnh quản lý.
4. Ngụy biện Lập lờ - Equivocation
*“*Ngụy biện Lập lờ là một loại ngụy biện trong tranh luận xảy ra khi một từ hoặc cụm từ được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau trong cùng một lập luận, dẫn đến sự nhầm lẫn hoặc sai lầm trong suy luận. Thủ thuật này thường dựa trên việc chơi chữ hoặc mập mờ nghĩa của từ để tạo ra một kết luận không hợp lý.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường tranh luận về việc người dân phản đối thu phí tại các trạm BOT giao thông trên đường quốc lộ. Cường cho rằng các trạm BOT thu “giá” chứ không thu “phí” nên không có gì vi phạm ở đây cả → Cường sử dụng biện pháp chơi chữ để lập lờ tính đúng sai trong tranh luận.
→ Ví dụ: Lâm và Cường vì xích mích mà xảy ra đánh nhau. Lâm tố cáo Cường đánh mình, nhưng Cường nói rằng chỉ “giơ chân hơi cao, gạt tay trúng má” tình cờ vào người Lâm chứ không đánh → Cường đang sử dụng sự lập lờ câu chữ để chối bỏ việc đánh Lâm.
5. Ngụy biện Phóng đại – Slippery slope
*“*Ngụy biện Phóng đại là một loại ngụy biện xảy ra khi ai đó cho rằng một hành động nhỏ hoặc sự kiện ban đầu sẽ dẫn đến một chuỗi các hậu quả tiêu cực hoặc nghiêm trọng mà không có bằng chứng hoặc lý do hợp lý để tin rằng những kết quả đó thực sự sẽ xảy ra. Trong kiểu lập luận này, người ta cho rằng khi một sự việc nhỏ xảy ra, nó sẽ "trượt dốc" một cách không kiểm soát và dẫn đến những tình huống cực đoan hơn.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng nếu như không cấm hoàn toàn xe máy trong thành phố, thì trong vòng 05 năm nữa đường phố sẽ tắc không thể đi nổi → Lâm đang sử dụng ngụy biện phóng đại, vì không có bất kì bằng chứng nào cho thấy xe máy là nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường hay cấm xe máy thì sẽ hết tắc đường.
→ Một dạng ngụy biện thường gặp, nhất là ở những kẻ có thói quen phóng đại sự việc, hòng đánh vào cảm giác sợ hãi, thổi phồng hậu quả của một sự việc để người khác phải thấy sợ mà nghe theo ý mình.
6. Ngụy biện Đánh đồng Vội vã – Hasty Generalization
“Ngụy biện Đánh đồng Vội vã là một loại ngụy biện xảy ra khi ai đó đưa ra kết luận tổng quát dựa trên một mẫu dữ liệu không đủ lớn hoặc không có tính đại diện. Ngụy biện này xuất phát từ việc đưa ra kết luận chung từ một số ít ví dụ hoặc từ những trường hợp ngoại lệ, mà không có đủ bằng chứng để ủng hộ cho kết luận đó.”
→ Ví dụ: Lâm đã gặp một vài người có quê ở tỉnh X có cách sống rất khó chịu, cho nên Lâm kết luận rằng tất cả những người ở tỉnh X đều có cách sống khó chịu → Lâm đang đánh đồng dân số cả một vùng lãnh thổ sẽ giống như một vài cá nhân đến từ lãnh thổ đó, trong khi chưa có chứng cứ gì để kết luận như vậy
→ Cần chú ý rằng luận điểm này chỉ được coi là ngụy biện khi có tính chất “vội vã” và “không đủ dữ liệu”. Nếu như có dữ liệu đủ lớn và liên tục, như ví dụ trên nếu Lâm đã gặp rất nhiều người đến từ tỉnh X mà ai cũng có thói quen xấu, thì việc Lâm kết luận rằng tỉnh X có văn hóa xấu là có cơ sở.
7. Ngụy biện Thẩm quyền – Appeal to authority
*“*Ngụy biện Thẩm quyền là một loại ngụy biện trong đó người tranh luận sử dụng ý kiến của một cá nhân có thẩm quyền hoặc có uy tín để hỗ trợ cho một lập luận, mà không xem xét đến tính chính xác hoặc lý lẽ thực sự của vấn đề. Điều này xảy ra khi người ta dựa vào uy tín hoặc địa vị của một người để chứng minh một điều gì đó là đúng, mà không đánh giá lập luận hoặc bằng chứng liên quan.”
→ Ví dụ: Lâm nghe Thủ tướng Cường đã nói rằng việc mất điện xảy ra vì người dân sử dụng điện quá nhiều và vô ý thức, cho nên lỗi thuộc về người dân → Lâm đang ngụy biện khi cho rằng cứ là người ở vị trí quyền lực như Thủ tướng Cường nói gì cũng sẽ là đúng, trong khi bỏ qua khả năng rằng việc mất điện không phải do lỗi người dân mà có thể là do sản lượng điện không đủ đáp ứng nhu cầu.
→ Ở một xã hội trọng bằng cấp và chức danh, ngụy biện kiểu như thế này xảy ra thường xuyên và liên tục. Nhiều người mặc định các chính trị gia, các giáo sư hay cơ quan truyền thông nói điều gì cũng là đúng mà không xem xét, phân tích kĩ lưỡng lời nói của họ.
8. Ngụy biện Song đề sai – False dilemma
*“*Ngụy biện Song đề sai là một loại ngụy biện xảy ra khi ai đó trình bày một tình huống chỉ có hai lựa chọn hoặc kết quả khả thi, trong khi thực tế có thể có nhiều lựa chọn hoặc khả năng khác. Điều này tạo ra cảm giác rằng chỉ có hai suy luận đối lập, và người nghe buộc phải chọn một trong hai, mặc dù các lựa chọn này không nhất thiết phải là duy nhất hoặc đúng.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường tranh luận về cuộc bầu cử chính trị sắp tới. Cường cho rằng nếu Lâm không bầu cho Đảng Cộng hòa thì nghĩa là Lâm không yêu nước → Cường đang sử dụng ngụy biện mà chỉ có hai song đề cực đoan để ép Lâm phải đồng ý theo ý mình, trong khi thực tế không hề có chuyện không ủng hộ một đảng phái chính trị lại đồng nghĩa với việc không yêu nước.
→ Ví dụ: Lâm cần tiền nên hỏi vay Cường, Cường không đồng ý vì Lâm có thói quen không trả nợ. Lâm nói rằng nếu Cường không cho mình vay thì Cường không thực sự coi mình là bạn.
→ Đây là một dạng ngụy biện phổ biến, thường gặp ở những kẻ có thói quen thao túng tâm lý người khác, ép người khác phải làm theo ý họ bằng cách tấn công vào sự khó xử lẫn cảm giác tội lỗi của người đối diện.
9. Ngụy biện Đám đông – Bandwagon
*“*Ngụy biện Đám đông là một loại ngụy biện trong đó người ta cho rằng một điều gì đó là đúng hoặc tốt chỉ vì nhiều người khác cũng tin hoặc làm như vậy. Nói cách khác, lập luận dựa trên việc theo đuổi số đông, thay vì dựa trên bằng chứng, lý luận hoặc phân tích hợp lý.”
→ Ví dụ: Lâm vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông giữ lại. Lâm cho rằng tại lúc đó ai cũng vượt đèn đỏ nên Lâm nghĩ mình cũng được làm như vậy → Việc vượt đèn đỏ là trái pháp luật rõ ràng nhưng Lâm đang sử dụng ngụy biện đám đông để tự bào chữa cho mình.
→ Ví dụ: Cường đi chơi Tết cũng gia đình và mặc một bộ áo màu trắng. Mẹ của Cường không vừa mắt nên nói rằng “chẳng ai đi Tết lại mặc áo màu trắng như mày” → Mẹ của Cường sử dụng ngụy biện đám đông vì thấy rằng ít người mặc màu trắng nên việc con mình chọn màu trắng là sai.
→ Trong một xã hội có văn hóa bầy đàn, ngụy biện đám đông xuất hiện ở khắp mọi nơi khi ai cũng tự cho mình quyền được ép người khác phải có hành vi, quan điểm phù hợp với số đông mà bất chấp tính đúng sai. Điều nguy hiểm ở chỗ, đám đông thường rất dễ bị dắt mũi và khi sai thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
10. Ngụy biện Thiếu sót – Appeal to ignorance
*“*Ngụy biện Thiếu sót là một loại ngụy biện xảy ra khi một người lập luận rằng một điều gì đó phải đúng chỉ vì nó chưa được chứng minh là sai, hoặc ngược lại. Nói cách khác, ngụy biện này dựa vào sự thiếu thông tin hoặc sự không biết để khẳng định một quan điểm.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng vì chưa có ai chứng minh được người ngoài hành tinh không tồn tại nên chắc chắn là người ngoài hành tinh phải tồn tại → Lâm đang ngụy biện vì việc không chứng minh được mệnh đề này không dẫn đến việc chứng minh được mệnh đề trái ngược.
11. Ngụy biện Quanh co – Circular argument
*“*Ngụy biện Quanh co là một loại ngụy biện trong đó một lập luận được hỗ trợ bằng cách sử dụng chính kết luận của nó như một phần trong lý lẽ. Nói cách khác, lập luận không cung cấp bất kỳ bằng chứng mới nào và chỉ lặp lại chính nó để chứng minh. Điều này dẫn đến một vòng tròn logic mà không đi đến đâu cả.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng Cường sẽ trở thành một Thủ tướng tốt vì ông ta là một người đàn ông tốt → Lâm đang ngụy biện quanh co vì việc Cường là người tốt chẳng đặt ra thêm chứng cứ, thành tích nào cho thấy Cường sẽ trở thành một vị Thủ tướng tốt cả.
12. Ngụy biện Gồng lỗ - Sunk cost fallacy
“Ngụy biện Gồng lỗ là một loại ngụy biện mà người ta tiếp tục đầu tư thời gian, tiền bạc hoặc nỗ lực vào một dự án, quyết định hoặc mối quan hệ, chỉ vì họ đã đầu tư rất nhiều vào đó trước đó, mặc dù không còn lợi ích thực tế nào từ việc tiếp tục nữa.”
→ Ví dụ: Lâm là Chủ tịch của một công ty sản xuất xe điện, mặc dù xe điện của Lâm sản xuất ra không cạnh tranh được và doanh thu rất kém, nhưng Lâm cho rằng vì mình đã đầu tư 10 tỉ đô la vào công ty nên không thể từ bỏ → Lâm đang sử dụng ngụy biện gồng lỗ, vì cho rằng đã chót dồn quá nhiều tiền nên không thể bỏ, trong khi thực tế cho thấy việc từ bỏ là cần thiết.
→ Đây là một ngụy biện nguy hiểm trong cả tranh luận lẫn tư duy, nhất là trong bối cảnh đầu tư và kinh tế. Đặc biệt nguy hiểm khi áp dụng vào trong suy nghĩ, có thể khiến con người đưa ra quyết định sai lầm vì cảm tính nuối tiếc thay vì dũng cảm nhận sai và từ bỏ quyết định sai lầm.
13. Ngụy biện Thương hại – Appeal to pity
*“*Ngụy biện Thương hại là một loại ngụy biện trong đó người tranh luận sử dụng cảm xúc thương hại để thuyết phục người khác chấp nhận một lập luận, thay vì cung cấp lý lẽ hay bằng chứng hợp lý. Mục tiêu là khơi dậy sự đồng cảm từ người nghe để họ cảm thấy bị thúc ép phải đồng ý với quan điểm của mình.”
→ Ví dụ: Lâm đi thi chương trình ca hát, mặc dù phần thi hát của Lâm được đánh giá là kém nhưng Lâm cho rằng ban giám khảo nên cho Lâm đi tiếp vào vòng sau vì Lâm có hoàn cảnh rất đáng thương, mồ côi cha mẹ, phải nuôi em nhỏ, làm việc tay chân → Lâm đang sử dụng ngụy biện để đánh vào lòng thương hại của người khác thay vì thuyết phục họ bằng chính năng lực của mình.
→ Đây là ngụy biện của những kẻ thao túng tâm lý, rất phổ biến ở những người có thói quen thích đóng vai nạn nhân, kể lể hoàn cảnh để đánh vào sự thương hại của người khác, hòng lôi kéo và thuyết phục họ làm theo ý mình.
14. Ngụy biện Nhân quả - Causal fallacy
“Ngụy biện Nhân quả là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta đưa ra kết luận sai lầm về mối quan hệ nguyên nhân và kết quả. Điều này thường xảy ra khi một sự kiện được cho là nguyên nhân của một sự kiện khác mà không có bằng chứng rõ ràng, hoặc khi người ta giả định rằng vì hai sự kiện xảy ra đồng thời, nên một sự kiện là nguyên nhân của sự kiện kia.”
→ Ví dụ: Lâm thấy rằng cứ khi trời nắng là hàng bún riêu gần nhà trở nên đông khách, nên Lâm kết luận rằng trời nắng khiến người ta thèm bún riêu → Lâm đang ngụy biện cho rằng khi hai sự việc hiện tượng không có liên quan gì nhau, có thể chỉ là trùng hợp mà mặc nhiên cho rằng có mối quan hệ nhân quả.
→ Ví dụ: Lâm cho rằng sự gia tăng tội phạm ở trẻ vị thành niên là do sự phổ biến của trò chơi điện tử → Lâm đang ngụy biện nhân quả khi đơn giản hóa một sự việc phức tạp là gia tăng tội phạm ở trẻ vị thành niên là do một nguyên nhân mơ hồ là trò chơi điện tử.
15. Ngụy biện Đạo đức giả - Appeal to hypocrisy
*“*Ngụy biện Đạo đức giả là một loại ngụy biện xảy ra khi một người bác bỏ lập luận của đối phương bằng cách chỉ trích họ về hành vi hoặc quan điểm của chính họ, thay vì phản biện nội dung của lập luận. Điều này được thực hiện với mục đích làm cho đối phương mất uy tín mà không thực sự giải quyết vấn đề đang được bàn luận.”
→ Ví dụ: Lâm chỉ trích Cường thực hiện công việc được giao không đúng nội dung dẫn đến công việc chung của cả nhóm bị trễ. Cường đáp trả rằng tuần trước Lâm là người đi làm muộn khiến cả nhóm phải chờ đợi → Cường đang sử dụng ngụy biện đạo đức giả để đối đáp Lâm trong khi bỏ qua sự thật rằng Cường đang là người làm sai việc được giao.
→ Giống như Ngụy biện Công kích cá nhân, những kiểu tranh luận như thế này chỉ biến thành những trận cãi nhau vô nghĩa mà không đi được đến kết luận tích cực. Thay vì phân tích đúng sai để cùng tiến bộ, những ngụy biện dạng này gây ra bất hòa, bất ổn và kéo tụt sự phát triển của tập thể và xã hội.
16. Ngụy biện Trung dung – Argument to moderation
*“*Ngụy biện Trung dung là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta giả định rằng giải pháp hoặc quan điểm đúng phải nằm ở giữa hai cực đối lập trong một cuộc tranh luận. Điều này có nghĩa là nếu có hai lập trường cực đoan, người ta cho rằng lập trường trung gian là đúng, mà không xem xét đến tính hợp lý hay bằng chứng của từng bên.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng khai thác toàn bộ quặng than X sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh, trong khi Cường cho rằng nếu không khai thác sẽ lãng phí tài nguyên kinh tế. Cả hai đi đến quyết định rằng chỉ nên khai thác một nửa trữ lượng của quặng X → Cả Lâm và Cường đều đang bị vấp phải ngụy biện khi cho rằng biện pháp ở giữa (khai thác một nửa) là biện pháp tốt nhất, trong khi chưa đi đến kết luận thực sự rằng khai thác hay không khai thác quặng than X mới là điều tốt nhất cho xã hội.
17. Ngụy biện Tổng hợp – Composition fallacy
*“*Ngụy biện Tổng hợp là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta cho rằng một đặc điểm của các phần tử trong một tập hợp cũng áp dụng cho toàn bộ tập hợp đó. Nói cách khác, điều này có nghĩa là rút ra kết luận về toàn bộ dựa trên các đặc điểm của các phần tử riêng lẻ.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng các cầu thủ của đội bóng ManU đều là các cầu thủ xuất sắc, nên đội bóng ManU chắc chắn phải là một đội bóng xuất sắc → Lâm đang vấp phải ngụy biện tổng hợp khi cho rằng tính chất của phần tử nhỏ sẽ tạo thành tính chất của tập hợp lớn là cả đội bóng, trong khi bỏ qua các yếu tố khác ngoài năng lực cá nhân như sự phối hợp, sự ăn ý, khả năng làm việc đồng đội, tính đoàn kết, chiến thuật của huấn luyện viên.... cũng là những yếu tố cần phải xét đến khi đánh giá đội bóng có xuất sắc hay không.
18. Ngụy biện Đánh đồng – False equivalent
*“*Ngụy biện Đánh đồng là một loại ngụy biện xảy ra khi hai điều, hai tình huống hoặc hai lập luận được cho là tương đương hoặc giống nhau một cách không chính xác, trong khi thực tế chúng có sự khác biệt quan trọng về bối cảnh, mức độ hoặc tính chất.”
→ Ví dụ: Lâm hút thuốc trong nhà hàng và bị bảo vệ nhà hàng mời ra ngoài, Lâm cho rằng cấm hút thuốc là xâm phạm đến quyền tự do đời sống của Lâm → Lâm ngụy biện đánh đồng khi lờ đi việc hút thuốc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời cũng không ai cấm Lâm hút thuốc mà chỉ yêu cầu hút đúng nơi đúng chỗ.
19. Ngụy biện Sử học – Historian fallacy
*“*Ngụy biện Sử học là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta đánh giá các quyết định hoặc hành động trong quá khứ dựa trên thông tin và quan điểm hiện tại, mà không xem xét bối cảnh lịch sử và những hiểu biết, niềm tin hay tình huống cụ thể của thời điểm đó.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng việc thời phong kiến đặt ra quy định cấm quan hệ trước hôn nhân là rất sai lầm và áp bức → Lâm đang nhìn về quá khứ dưới con mắt bối cảnh hiện đại rất khác, bỏ qua yếu tố là sự phát triển của của khoa học như các biện pháp phòng ngừa thai sản, xét nghiệm ADN đã giúp cho việc quan hệ trước hôn nhân đỡ tránh khỏi các hậu quả rắc rối hơn nhiều so với ngày xưa.
→ Phổ biến hơn bạn tưởng, việc tranh luận văn minh sẽ viện dẫn đến rất nhiều sự kiện trong quá khứ để phân tích, đối với những người làm trong ngành luật là những bộ luật cũ, tính hồi tố, án lệ và tiền lệ.
20. Ngụy biện Đánh lạc hướng – Kettle logic
*“*Ngụy biện Đánh lạc hướng là một loại ngụy biện xảy ra khi một người đưa ra nhiều lập luận mâu thuẫn với nhau để bảo vệ một quan điểm hoặc một tuyên bố, mà không nhận ra rằng các lập luận này không thể đồng thời đúng. Thường thì những lập luận này được sử dụng để tránh việc chấp nhận trách nhiệm hoặc để biện minh cho một hành động hoặc quyết định.”
→ Ví dụ: Lâm đi làm muộn và bị giám đốc Cường khiển trách. Ngay lập tức, Lâm đưa ra hàng loạt lý do như xe Lâm đột nhiên hỏng, đường cũng rất tắc, lại còn trời mưa, làm việc muộn mất ngủ và Lâm cũng đã báo trước trên đường đi cho Cường rồi, thậm chí Lâm cũng đang có ý định nghỉ việc → Lâm đang ngụy biện bằng cách đưa ra hàng loạt lý do để bào chữa cho việc đi làm muộn, mặc dù những lý do đó có thể không liên quan, mâu thuẫn nhau hoặc là có thể tránh được.
21. Ngụy biện Trò chơi – Ludic fallacy
*“*Ngụy biện Trò chơi là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta áp dụng các nguyên tắc hoặc quy tắc từ các trò chơi đơn giản, có cấu trúc chặt chẽ vào các tình huống phức tạp và không chắc chắn trong thế giới thực. Nguyên tắc của ngụy biện này là giả định rằng thế giới thực hoạt động theo cùng một cách mà các trò chơi có quy tắc cụ thể hoạt động, mà không xem xét đến các yếu tố ngẫu nhiên và phức tạp hơn.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng dự đoán giá cổ phiếu công ty X của mình là tuyệt đối chính xác sau khi áp dụng các nguyên tắc xác suất, toán học, phân tích kinh tế, báo cáo tài chính, biểu đồ tương quan... → Lâm không tính đến các yếu tố ngẫu nhiên, bất khả kháng trên thực tế mà toán học không thể dự báo (ví dụ như thiên tai) hay hành vi lừa đảo được che giấu... cũng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu công ty X.
22. Ngụy biện Thay đổi Mục đích – Moving the goal post
*“*Ngụy biện Thay đổi Mục đích là một loại ngụy biện xảy ra khi một người thay đổi tiêu chí hoặc yêu cầu để đánh giá một lập luận hoặc một tình huống, sau khi các yêu cầu ban đầu đã được đáp ứng. Điều này thường được sử dụng để từ chối thừa nhận rằng một lập luận đã được chứng minh hoặc một yêu cầu đã được đáp ứng, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn mới hoặc khó khăn hơn. Nguyên tắc của ngụy biện này là tạo ra sự không công bằng trong cuộc tranh luận, vì người đối diện không có cơ hội để đáp ứng các yêu cầu mới mà không có sự chuẩn bị.”
→ Ví dụ: Lâm được yêu cầu soạn thảo tờ khai thuế đúng theo quy định pháp luật. Lâm sau khi giải trình với cả nhóm và đã đáp ứng được mọi yêu cầu cần phải có của một tờ khai thuế thì giám đốc Cường đột ngột nói rằng chưa hài lòng vì tờ khai thuế này chưa được nộp và chưa được cơ quan thuế chấp thuận trên thực tế → Giám đốc Cường đang sử dụng ngụy biện, tự đặt ra một mục đích và yêu cầu mới cho Lâm trong khi Lâm không hề có sự chuẩn bị để hạ thấp công sức và lập luận của Lâm.
→ Một ngụy biện rất phổ biến trong môi trường công sở, đặc biệt là của cấp trên đối với cấp dưới khi liên tục thay đổi yêu cầu khiến nhân viên không thể nào đáp ứng kịp. Điều này gây ra ức chế cho cấp dưới, khiến họ có cảm giác không được công nhận và thấy rằng môi trường làm việc không chuyên nghiệp, thiếu tác phong, thiếu rõ ràng.
23. Ngụy biện Hoàn hảo – Nirvana fallacy
*“*Ngụy biện Hoàn hảo là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta chỉ trích một giải pháp hoặc lựa chọn vì nó không hoàn hảo, so với một trạng thái lý tưởng hoặc hoàn hảo mà không xem xét rằng giải pháp đó vẫn có thể mang lại lợi ích thực tiễn. Nguyên tắc của ngụy biện này là giả định rằng nếu một giải pháp không đạt đến mức hoàn hảo, thì nó hoàn toàn không đáng để xem xét. Nguy hiểm của ngụy biện này là nó có thể dẫn đến sự từ chối các giải pháp khả thi chỉ vì chúng không hoàn hảo, điều này có thể cản trở tiến bộ và cải cách.”
→ Ví dụ: Tỉnh X đang bị ngập lụt và thiệt hại rất nặng. Chủ tịch Lâm đề nghị kêu gọi tiến hành quyên góp trên toàn quốc để giúp tỉnh X khắc phục thì Bộ trưởng Cường cho rằng có quyên góp thì cũng không đủ để khắc phục hết được. → Bộ trưởng Cường vấp phải lỗi ngụy biện hoàn hảo khi cho rằng một biện pháp không nên được áp dụng vì nó không triệt để hay hoàn hảo; mà bỏ qua hiện thực rằng có thể không có biện pháp nào hoàn hảo cả mà chỉ có biện pháp tốt nhất khả thi và khắc phục tốt nhất trong năng lực có thể.
24. Ngụy biện Khẳng định – Proof by assertion
*“*Ngụy biện Khẳng định là một loại ngụy biện xảy ra khi một người khẳng định một tuyên bố nhiều lần mà không cung cấp bằng chứng hay lý do hợp lý, với hy vọng rằng sự lặp lại sẽ làm cho tuyên bố đó trở nên đúng hoặc chấp nhận được. Nguyên tắc của ngụy biện này là cho rằng việc khẳng định một điều gì đó một cách liên tục sẽ tự động xác nhận tính đúng đắn của nó, mặc dù không có sự hỗ trợ từ bằng chứng hay lập luận logic. Nguy hiểm của ngụy biện này là nó có thể tạo ra sự tin tưởng hoặc đồng thuận chỉ dựa trên sự lặp lại, thay vì dựa vào logic hoặc sự thật.”
→ Ví dụ: Lâm và phụ huynh xảy ra tranh cãi về việc nên học trường đại học nào, Lâm muốn học thanh nhạc trong khi phụ huynh muốn Lâm học ngành y. Bố của Lâm hét lên rằng “lời tao nói lúc nào cũng đúng, mày đừng có cãi.” → Bố của Lâm thất bại trong việc đưa ra lập luận và chứng cứ để thuyết phục Lâm nên chỉ còn cách sử dụng ngụy biện khẳng định một cách phi lý để lấn át.
→ Bộ trưởng Bộ Tuyên giáo của Đức Quốc xã là Joseph Goebbels có câu nói nổi tiếng: “Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý”. Đây là minh chứng rõ nét của Ngụy biện Khẳng định.
25. Ngụy biện Tâm lý – Psychologist’s fallacy
*“*Ngụy biện Tâm lý là một loại ngụy biện xảy ra khi một người giả định rằng họ có thể hiểu hoặc giải thích tâm trạng, động cơ hoặc hành vi của người khác chỉ dựa trên cảm nhận hoặc kinh nghiệm cá nhân của mình, mà không xem xét đến bối cảnh hoặc trải nghiệm cụ thể của người đó. Điều này thường dẫn đến việc áp đặt các giả định sai lầm hoặc không chính xác về người khác. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa hiểu biết cá nhân và sự hiểu biết về người khác, điều này có thể dẫn đến những đánh giá không công bằng hoặc không chính xác.”
→ Ví dụ: Lâm bị cảnh sát bắt vì bạo hành con trai của mình. Cường là bạn thân của Lâm, nói với cảnh sát rằng Cường hiểu tâm trạng của Lâm vì nếu con hư thì cũng sẽ làm tương tự. → Cường đang vấp phải ngụy biện tâm lý khi cho rằng mình hiểu tâm lý lẫn hành động của Lâm, mà bỏ qua khả năng rằng có thể Lâm đánh đập con cái không vì lý do gì, vì say rượu, bực tức, trút giận... chứ không hẳn là vì có đứa con hư.
26. Ngụy biện Tai nạn – Accident fallacy
*“*Ngụy biện Tai nạn là một loại ngụy biện xảy ra khi một quy tắc hoặc nguyên tắc chung được áp dụng một cách không hợp lý vào một trường hợp cụ thể mà không xem xét các yếu tố đặc thù có thể làm cho trường hợp đó trở nên ngoại lệ. Nói cách khác, người ta áp dụng một quy tắc tổng quát vào một tình huống cụ thể mà không nhận ra rằng có thể có những lý do hoặc hoàn cảnh khác mà quy tắc đó không phù hợp. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa quy tắc chung và những ngoại lệ cụ thể, dẫn đến sự hiểu lầm hoặc kết luận sai lầm.”
→ Ví dụ: Lâm tuyên bố rằng hành vi giết người là sai trong mọi trường hợp → Lâm phạm lỗi ngụy biện khi không tính đến trường hợp giết người khi thi hành án tử, khi tự vệ, khi chiến tranh, khi ngăn chặn một kẻ khủng bố.... tuy đều là hành vi giết người nhưng không được coi là phạm tội hay sai trái.
27. Ngụy biện Chọn lọc – Cherry picking
*“*Ngụy biện Chọn lọc là một loại ngụy biện xảy ra khi một người chọn ra những bằng chứng hoặc ví dụ cụ thể để ủng hộ lập luận của mình, trong khi bỏ qua hoặc không xem xét các bằng chứng khác có thể mâu thuẫn hoặc không ủng hộ cho lập luận đó. Nói cách khác, người ta chỉ lấy những "quả anh đào" tốt nhất mà không nhìn vào bức tranh tổng thể. Nguyên tắc của ngụy biện này là tạo ra sự hiểu lầm hoặc thiên lệch bằng cách chỉ trình bày một phần của sự thật.”
→ Ví dụ: Lâm và Cường rủ nhau đi ăn lẩu tại nhà hàng X, Lâm thấy trong số 100 reviews có 15 reviews chê nhà hàng X bán lẩu không ngon nên khuyên Cường đi cho khác ăn → Lâm vấp lỗi ngụy biện khi chỉ nhặt nhạnh ra 15 reviews xấu để phân tích mà bỏ qua 85 reviews còn lại có thể khen nhà hàng X.
28. Ngụy biện So sánh sai – False analogy
*“*Ngụy biện So sánh sai là một loại ngụy biện xảy ra khi một người so sánh hai sự vật hoặc tình huống mà không có đủ điểm tương đồng hoặc sự tương thích để lập luận. Nói cách khác, lập luận dựa trên một phép so sánh không chính xác hoặc không hợp lý, dẫn đến những kết luận sai lầm. Nguyên tắc của ngụy biện này là cho rằng vì hai điều gì đó có một vài điểm giống nhau, chúng cũng sẽ có nhiều điểm giống nhau khác, điều này có thể không đúng.”
→ Ví dụ: Lâm khuyên Cường không nên cho con trai chơi game vì chơi game gây nghiện và ảnh hưởng xấu đến tương lai như nghiện ma túy → Lâm đã vấp lỗi ngụy biện khi cho rằng tác hại của chơi game giống như tác hại của ma túy, mặc dù có thể cùng gây nghiện nhưng rõ ràng tác hại của hai thứ này không thể giống nhau.
29. Ngụy biện Dựng chuyện – Argument from anecdote
*“*Ngụy biện Dựng chuyện là một loại ngụy biện xảy ra khi một người sử dụng một hoặc vài câu chuyện cá nhân hoặc trải nghiệm cụ thể để chứng minh một lập luận hoặc khẳng định, mà không có bằng chứng hay dữ liệu có hệ thống để hỗ trợ cho tuyên bố đó. Nói cách khác, lập luận dựa vào những trải nghiệm cá nhân thay vì thông tin khách quan.”
→ Ví dụ: Lâm khuyên Cường nên bỏ thuốc vì hút thuốc có hại cho sức khỏe, Cường gạt đi vào nói rằng ông cụ hàng xóm nhà Cường hút thuốc từ năm 20 tuổi mà đến giờ là 80 tuổi vẫn sống khỏe. → Cường đang sử dụng ngụy biện dựng chuyện khi đặt ra một câu chuyện mà không ai biết là thật hay không, và nếu có thì Cường cũng không thể biết được ông cụ đấy là ngoại lệ hay có điểm gì khác thường, đặc biệt là liệu Cường có giống được ông cụ đó hay không mà so sánh.
30. Ngụy biện Ngoại lệ - Overwhelming exception
*“*Ngụy biện Ngoại lệ à một loại ngụy biện xảy ra khi một người sử dụng một hoặc một vài trường hợp ngoại lệ rất rõ ràng để phản bác một quy tắc hoặc nguyên tắc chung, mà không xem xét đến số lượng lớn các trường hợp khác có thể hỗ trợ cho quy tắc đó. Nói cách khác, người ta nhấn mạnh vào những ngoại lệ mà bỏ qua sự tồn tại của các quy luật tổng quát hơn. Nguyên tắc của ngụy biện này là cho rằng một số trường hợp ngoại lệ có thể phủ nhận một quy tắc chung mà không cần phải xem xét tính hợp lý của quy tắc đó.”
→ Ví dụ: Lâm là người bán thịt xiên nướng trên vỉa hè thì bị thanh tra Cường đến kiểm tra và phát hiện ra thịt xiên của Lâm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lâm nói rằng có nhiều người ăn thịt xiên của Lâm mà sức khỏe chẳng làm sao cả. → Lâm sử dụng ngụy biện để bào chữa vì một số người ăn thịt xiên bẩn của Lâm không bị làm sao thì cũng không có nghĩa là không ai bị làm sao, mà kể cả có bị làm sao thì chưa chắc Lâm đã biết được.
31. Ngụy biện Ngừng tư duy - Thought-terminating cliché
*“*Ngụy biện ngừng suy nghĩ là một loại ngụy biện xảy ra khi một cụm từ, câu nói, hoặc ý kiến quen thuộc được sử dụng để ngăn chặn hoặc hạn chế sự suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề nào đó. Những câu nói này thường có vẻ đơn giản và dễ nhớ, nhưng chúng không đưa ra lập luận hay bằng chứng có sức thuyết phục và thường chỉ mang tính chất ngụy biện. Nguyên tắc của ngụy biện này là khuyến khích người khác ngừng đặt câu hỏi hoặc suy nghĩ phản biện bằng cách sử dụng những cụm từ quen thuộc, điều này có thể dẫn đến sự thiếu hiểu biết và đồng thuận mà không có sự thảo luận hợp lý.”
→ Ví dụ: Lâm và gia đình có truyền thống làm món gà tây bỏ lò vào các dịp Giáng sinh, khi hỏi bố mình vì sao nhà mình trước khi bỏ gà vào lò nướng đều phải chặt phần đầu, bố của Lâm nói rằng “từ xưa các cụ đã làm như thế, không phải thắc mắc”. Vào một ngày, Lâm tình cờ tìm thấy cuốn nhật kí của cụ bà, trong đó cụ bà giải thích lý do vì sao phải chặt đầu gà tây trước khi bỏ vào lò chỉ đơn giản là vì cái lò nướng ngày xưa của gia đình quá bé, không làm thế thì không nhét con gà vào được. → Bố của Lâm phạm lỗi ngụy biện ngừng tư duy khi không tích cực tranh luận để khám phá ra sự thật và lý do của truyền thống nhà mình, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng ngày xưa mọi người làm thế thì mình bây giờ cũng cứ làm như vậy.
→ Một loại ngụy biện hay gặp trong văn hóa truyền thống, có nhiều hành động của con người được bắt nguồn từ thời xa xưa, có thể được coi như tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông. Nhưng hành vi của người xưa mà cứ lặp lại không xem xét đến đúng sai, sự thay đổi giữa bối cảnh xưa và nay thì sẽ không phân biệt được cái nào là truyền thống và cái nào là hủ tục thừa thãi.
32. Ngụy biện Tương đồng Nhân quả - Cum hoc ergo propter hoc
“Ngụy biện Tương đồng Nhân quả là một loại ngụy biện liên quan đến việc giả định rằng vì hai sự kiện xảy ra đồng thời, nên một sự kiện gây ra sự kiện còn lại. Nói cách khác, người ta cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hai sự việc chỉ vì chúng xảy ra cùng một thời điểm mà không có bằng chứng rõ ràng cho thấy một sự kiện thực sự ảnh hưởng đến sự kiện kia. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa sự tương quan và nguyên nhân, dẫn đến những kết luận sai lầm.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng khi chất lượng của cuộc sống tốt lên thì số lượng người mắc bệnh tâm lý trầm cảm lại gia tăng, do vậy Lâm kết luận rằng cuộc sống thoải mái khiến tâm lý con người trở nên mềm yếu → Lâm bỏ qua khả năng rằng chính vì cuộc sống tốt lên nên dịch vụ y tế trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người, từ đó các ca bệnh được phát hiện nhiều hơn dẫn đến lượng người bệnh tăng cao; sở dĩ ngày xưa ít người bệnh bởi vì họ không được khám chữa chứ không phải là ít hơn bây giờ.
33. Ngụy biện Cờ bạc – Gambler’s fallacy
*“*Ngụy biện Cờ bạc là một loại ngụy biện xảy ra khi một người tin rằng kết quả của một sự kiện ngẫu nhiên trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến kết quả của các sự kiện tương lai, mặc dù các sự kiện đó là độc lập với nhau. Nói cách khác, người ta tin rằng nếu một kết quả cụ thể đã xảy ra nhiều lần, thì khả năng xảy ra của kết quả khác sẽ tăng lên, hoặc ngược lại. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa cảm giác về mẫu hình thực tế của xác suất.”
→ Ví dụ: Lâm đang chơi bóng rổ với phong độ tốt, đã ném 9 lần đều vào rổ cả 9 lần. Cường cho rằng lần ném thứ 10 của Lâm chắc chắn cũng sẽ vào rổ → Cường đã phạm lỗi ngụy biện cờ bạc vì tuy xác suất dữ liệu quá khứ có vẻ cao nhưng không có gì đảm bảo rằng lần ném thứ 10 của Lâm chắc chắn sẽ vào rổ.
→ Tư duy của ngụy biện này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Người ta tin rằng thị trường nhà ở tại Hoa Kỳ trong quá khứ chưa bao giờ sụp đổ, cho nên nó sẽ không bao giờ sụp đổ, từ đó cho vay bừa bãi và tạo ra nhiều loại chứng khoán dựa vào thị trường này. Đến khi việc sụp đổ thực sự xảy ra, hậu quả trở nên khủng khiếp.
34. Ngụy biện Cục đá – Appeal to the stone
*“*Ngụy biện Cục đá là một loại ngụy biện xảy ra khi một người phản bác một lập luận bằng cách tuyên bố rằng lập luận đó là vô lý hoặc không thể chấp nhận mà không đưa ra bất kỳ lý do hay bằng chứng nào để hỗ trợ cho quan điểm đó. Nói cách khác, người ta chỉ đơn giản là phủ nhận một lập luận mà không tham gia vào cuộc thảo luận hay phân tích nó. Nguyên tắc của ngụy biện này là từ chối lập luận mà không cung cấp lý do rõ ràng, dẫn đến việc bỏ qua cuộc tranh luận một cách không hợp lý.”
→ Ví dụ: Lâm đề nghị Thủ tướng Cường hỗ trợ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 5 năm, cho rằng sẽ có lợi ích lớn thì Thủ tướng Cường gạt phăng đi và chỉ nói “vô lý” → Thủ tướng Cường tuyên bố một lập luận là sai trong khi không đưa ra lý do hay giải thích vì sao lại sai, có thể thấy nói chuyện với Cường không khác gì nói với cục đá.
35. Ngụy biện Im lặng – Argument from silence
*“*Ngụy biện Im lặng là một loại ngụy biện xảy ra khi một người lập luận rằng một tuyên bố hoặc giả thuyết là đúng hoặc sai chỉ vì không có bằng chứng hoặc thông tin nào công khai để phản bác nó. Nói cách khác, người ta cho rằng sự thiếu thông tin hoặc phản hồi từ một nguồn cụ thể có nghĩa là điều đó không tồn tại hoặc không đúng. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa việc không có bằng chứng và việc chứng minh một lập luận.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng nấu phở với thịt vịt quay cũng có thể tạo thành một món ăn ngon, Cường bác bỏ với lý do rằng từ xưa đến nay chưa thấy ai làm thế mà phở phải ăn với thịt bò mới đúng. → Cường ngụy biện khi cho rằng vì chưa có ai làm như vậy nên ý tưởng của Lâm là đương nhiên sai, bỏ qua khả năng rằng ý tưởng của Lâm có thể là một phát kiến mới, tạo ra một công thức nấu ăn mới.
36. Ngụy biện Dữ liệu – Data fallacy
*“*Ngụy biện Dữ liệu là một loại ngụy biện xảy ra khi người ta sử dụng dữ liệu hoặc thông tin một cách không chính xác hoặc sai lệch để hỗ trợ cho một lập luận hoặc kết luận. Điều này có thể bao gồm việc lựa chọn dữ liệu một cách thiên lệch, hiểu sai về cách thức mà dữ liệu được thu thập hoặc phân tích, hoặc không công nhận các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa sự sử dụng dữ liệu một cách chính xác và việc thao túng dữ liệu để tạo ra một ấn tượng sai lầm.”
→ Ví dụ: Lâm cho rằng đi máy bay vô cũng nguy hiểm vì khi gặp tai nạn thì tỉ lệ tử vong gần như là 100% → Lâm phạm lỗi ngụy biện dữ liệu khi không nhận ra rằng tuy tỉ lệ tử vong cao nhưng tỉ lệ gặp tai nạn của máy bay là thấp nhất trong tất cả các loại hình giao thông khác, khiến cho máy bay trở thành một trong những phương tiện di chuyển an toàn nhất.
37. Ngụy biện Hai sai Một đúng – Two wrongs make it right
*“*Ngụy biện Hai sai Một đúng là một loại ngụy biện xảy ra khi một người lập luận rằng hành động sai trái của một người khác có thể biện minh cho hành động sai trái của chính mình. Nói cách khác, người ta sử dụng việc một ai đó đã làm điều sai để biện hộ cho hành động sai của mình, với ý tưởng rằng nếu người khác cũng sai, thì hành động của mình là hợp lý. Nguyên tắc của ngụy biện này là nhầm lẫn giữa việc một hành động sai có thể được biện minh bằng một hành động sai khác.
→ Ví dụ: Lâm và Cường đi cùng nhau và cùng vượt đèn đỏ thì chỉ có Lâm bị cảnh sát giao thông bắt, Lâm nói rằng Cường cũng vượt đèn thì tại sao lại không đi bắt cả Cường mà lại bắt mỗi Lâm → Lâm bào chữa bằng ngụy biện khi cho rằng người khác vượt đèn đỏ được thì Lâm cũng làm tương tự, nhưng quên mất rằng hai hành vi sai (của Lâm và Cường) không khiến cho hành vi của Lâm trở thành đúng, và dù Cường có thoát thì Lâm vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
→ Một dạng ngụy biện hay gặp ở những người có thói quen lôi những sự việc tương tự, mặc dù có thể chẳng liên quan ra để tự biện minh cho hành động của mình, kiểu như người ta làm được thì tôi cũng làm được.
-------
Nguồn bài
Nhận xét
Đăng nhận xét