Bài gốc: https://nghiencuulichsu.com/2020/04/24/hieu-dung-ve-ban-chat-mon-phong-thuy/
Hà Nhật Tân
“…mảnh đất béo bở cho người kẻ nói khoác”
DẪN NHẬP
Trong những năm gần đây, khái niệm “Phong thủy” không những xuất hiện với tần suất vô cùng dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn rất đa dạng về hình thức.
Về mức độ dày đặc, ngoài những ấn phẩm xuất hiện với ưu thế vượt trội có thể quan sát bằng mắt thường trong các nhà sách, các bài viết mang nội dung Phong thủy cũng xuất hiện với mật độ hết sức đậm đặc trên các tờ báo và tạp chí. Không những có vị trí trang trọng trên những tạp chí có độc giả phần lớn là người nội trợ hoặc giới bình dân như: Tiếp thị gia đình, Thế giới văn hóa, Sài gòn tiếp thị, Cẩm nang mua sắm, v.v…; mà chuyên mục “Tư vấn Phong thủy” còn xuất hiện với nhiều hình thức cả trên các tờ báo Đảng và tạp chí có uy tín như: Sài gòn giải phóng thứ bảy; Tạp chí nhà đẹp, Tạp kiến trúc và đời sống, v.v… Chưa kể các tờ báo khác, chỉ riêng tuần san Sài Gòn giải phóng thứ bảy, từ năm 2000 đến nay, đã cho ra đời khoảng sáu trăm bài tư vấn Phong thủy. Người viết bài này, trong khi tìm tư liệu cho bài viết, đã thử đánh từ khóa “Phong thủy” trên trang Google và đã có khoảng hơn ba triệu kết quả.
Về mức độ đa dạng, tìm kiếm trên internet sẽ thấy Phong thủy không những khuấy đảo ở những nơi vốn được coi là cái nôi của chúng như kiến trúc, xây dựng, bất động sản, v.v…; mà còn “tấn công” qua những vấn đề tưởng không liên quan gì đến Phong thủy như: sim điện thoại theo Phong thủy (hơn 6 triệu kết quả trên trang Google), đặt tên con theo Phong thủy (khoảng 2 triệu kết quả), và thậm chí, ăn kiêng theo… Phong thủy(!) cũng thấy xuất hiện.
Như vậy, Phong thủy là gì và tại sao người ta dường như “phát cuồng” với chúng như thế? Bài viết sau góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đế bản chất của Phong thủy dưới cái nhìn văn hóa.
Thuật ngữ “Phong thủy”
Phong thủy là môn học kinh nghiệm của người Trung Quốc cổ, có nguồn gốc từ thuật Kham Dư, là tất cả những hoạt động có liên quan đến việc chọn đất mai táng (âm phần) hoặc đất làm nền nhà (sinh cơ). Những người am hiểu và biết làm những pháp thuật huyền bí như quan sát địa hình, địa thế để tìm, điểm, trấn, hóa, v.v… các loại “long mạch” là các thầy địa lý hay thầy phong thủy, còn được gọi là Kham Dư gia (Kham nghĩa là trời, là đạo trời; Dư là đất, là địa lý; gia là nhà; tức là người am hiểu về đạo trời và địa lý).
Bộ sách đầu tiên viết về Phong thủy của Trung Quốc là “Táng thư” của Quách Phác (276 – 324 ) đời nhà Ngụy-Tấn, trong sách có đoạn viết như sau: “sơn cao thủy thâm, uất thảo mậu lâm, tàng phong tụ khí, xung dương hòa âm” (núi cao nước sâu, cây cỏ sum xuê rậm rạp, chứa gió tụ khí, dương xung âm hòa), trong đó đề cập đến chữ “khí” trong “tụ khí” chính là mấu chốt [2].
Liên quan đến sự vận hành của khí, trong “Táng thư”, Quách Phác viết: “khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cố vị chi Phong thủy” (khí theo gió thì tản mạn, nước ngăn lại thì khí ngừng, cho nên gọi là Phong thủy) [2]. Như vậy, có thể thấy thuật ngữ “Phong thủy” xuất hiện và được chiết giải vào khoảng thế kỷ 3.
NỀN MÓNG CỦA “TÒA NHÀ PHONG THỦY”
Phong thủy nói chung được xây dựng trên cơ sở của các lý luận về âm dương, Ngũ hành, Bát quái, Hà đồ, Lạc thư. Thời Tống trở về sau, còn được thêm vào một số tính chất của tứ trụ, thập can, thập nhị chi, tử vi đẩu số, v.v…, khiến Phong thủy đã rối rắm càng thêm rối rắm và tối nghĩa, tạo thành rất nhiều chi, phái Phong thủy ngày nay.
Âm dương
Những hiện tượng có tính chất ngược nhau như: cha – mẹ, ngày – đêm, nam – nữ, nóng – lạnh, v.v… tồn tại vô cùng phổ biến trong tự nhiên. Cùng với quá trình phát triển của ý thức, con người có nhu cầu diễn đạt những khái niệm có tính chất khái quát và trừu tượng hơn. Và quan niệm âm dương ra đời, dùng để diễn tả những hiện tượng trên là một tất yếu của lịch sử, là bước nhảy từ tư duy trực quan lên tư duy trừu tượng. Chính vì vậy, có thể nói, đây là quan niệm có từ rất sớm, đã hình thành cùng lúc với nhận thức trừu tượng của tư duy. Tuy vậy, các “di chỉ” của nhận thức này ở mặt văn tự tồn tại khá muộn, đến đời nhà Châu (thế kỷ 11 TCN) khái niệm âm dương được đề cập trong Kinh dịch, nhưng mãi đến cuối thời Xuân Thu, cuốn “Đạo đức kinh” của Lão Tử (sống vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 TCN) mới biểu đạt sâu sắc và tinh tế về phạm trù này.
Ngũ hành
Thuyết Ngũ hành được Trâu Diễn (305 – 240 TCN) thời Chiến Quốc khởi xướng, được viết thành văn trong thiên hồng phạm sách thượng thư [6] đời Chiến Quốc[*], bao gồm năm yếu tố cơ bản tạo thành vạn vật (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và mối quan hệ giữa chúng. Các “chất” trên phản ứng với nhau theo Ngũ hành tương sinh và Ngũ hành tương khắc tạo thành sự chuyển hóa, vận hành của tự nhiên.
Hà đồ, Lạc thư, Kinh dịch và Bát quái
Tương truyền, Hà đồ là đồ hình trên lưng con Long mã nổi lên ở Hoàng Hà. Vua Phục Hy, một trong Tam Hoàng của Trung Hoa thời thượng cổ (khoảng 2852 – 2738 TCN), theo đồ hình ấy vạch ra thành quẻ, làm thành Tiên thiên Bát quái, đặt nền móng cho Kinh dịch. Từ thời Phục Hy đến cuối nhà Thương, Kinh dịch vẫn chỉ là những vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả.
Cũng theo truyền thuyết, vua Đại Vũ (khoảng 2000 TCN) khi trị thủy trên sông Lạc thì gặp rùa thần nổi lên, trên lưng có hình cửu tinh. Vua Đại Vũ cho sao chép lại và gọi đó là Lạc thư.
Sang tới đầu nhà Châu (khoảng 1000 TCN), Châu Văn Vương dựa theo Lạc thư tạo ra Hậu thiên Bát quái. Văn Vương còn đem những Quẻ của Phục Hy đặt thành tên và diễn thêm lời ở dưới mỗi quẻ để nói về sự lành dữ của cả quẻ, gọi là lời quẻ (quái từ), hay lời thoán (thoán từ).
Sau đó Châu Công, tức Cơ Đán (con trai thứ Văn Vương), lại theo số vạch của các quẻ mà chia mỗi quẻ ra làm sáu phần, mỗi phần gọi là một hào, và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc vài câu, để nói về sự lành dữ của từng hào. Lời đó gọi là lời hào (hào từ) vì phần nhiều căn cứ vào hình tượng của các hào, cho nên nó còn gọi là lời tượng.
Tiếp đến Khổng Tử (551 – 479 TCN) lại soạn ra sáu mục nữa, là Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Sáu mục đó làm cho ý nghĩa Kinh dịch rộng thêm [8].
Kinh dịch còn được gọi là “Dịch” hay “Châu Dịch”. Vì Châu là tên triều đại, Dịch là tên sách. Những quẻ do Phục Hy vạch ra, có nghĩa là biến Dịch, cho nên mới gọi là Dịch. Còn lời nói do Văn Vương, Châu Công thêm vào, cho nên mới đặt chữ Châu ở trên. Sách được chia làm hai thiên: Châu Dịch thượng kinh và Châu Dịch hạ kinh [8].
Bỏ qua những truyền thuyết hoang đường về sự sáng lập ra Kinh dịch (mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được chủ nhân đích thực), thì rõ ràng Kinh dịch là một bộ sách lạ xuất hiện từ thời cổ, có quan hệ chặt chẽ với Bát quái. Và toàn bộ tác phẩm Kinh dịch xoay quanh, giải thích về các quẻ trong Bát quái. Và những khảo cứu khoa học gần đây đã cho thấy, Bát quái xuất phát từ Kinh dịch, thậm chí còn sớm hơn so với thời đại của Kinh dịch: vào thời nhà Thương (khoảng 1766 TCN – 1122 TCN), khi có giáp cốt văn, đã có phù hiệu của tượng quẻ [2].
Trở lại với Hà đồ – Lạc thư, tuy viết rằng Bát quái dựa trên Hà đồ và Lạc thư, nhưng trong các thư tịch từ thời cổ đến thời Hán không những không nói rõ Hà đồ là hình vẽ gì, Lạc thư là sách gì, chữ gì; mà cũng không nói Hà đồ, Lạc thư có liên quan như thế nào với quái tượng Châu Dịch [2]. Chỉ về sau, các nhà Dịch học thời Tùy, Đường, Ngụy, Tấn nói Hà đồ, Lạc thư có liên hệ với Châu Dịch, nhưng cũng không nói rõ, hay đưa ra đồ hình gì để thuyết minh Hà đồ, Lạc thư. Mãi sau này, đầu thời Tống (thế kỷ thứ 10), đạo sĩ Hy Di-Trần Đoàn mới đưa ra đồ hình Hà đồ, Lạc thư bằng những chấm đen trắng để thuyết minh nguyên lý Châu Dịch, dẫn đến hình thành nên phái Đồ thư, và mượn nó làm cờ hiệu “Đồ Thư hiển thế” cho mình.
Tuy vậy, theo khảo chứng của các nhà nghiên cứu hiện đại, thì những đồ hình ngang dọc này được sáng tác vào khoảng CN năm 80 ở Trung Quốc, đây là kiểm chứng có căn cứ thiết thực [2]. Như vậy, về bản chất, vào thế kỷ thứ 10, Trần Đoàn không phát minh ra Hà đồ và Lạc thư, “phát hiện” của ông chỉ là đem đồ hình ngang dọc trước kia thay lại kiểu dáng thành những chấm đen trắng mà thôi.
Hệ thống can – chi
Theo truyền thuyết, Đại Nhiêu là người sáng tạo ra hệ thống can – chi, kết hợp thành vòng Lục thập hoa giáp, đồng thời soạn ra bộ lịch coi ngày, giờ, tháng, năm đơn giản. Tuy nhiên để dân dễ hiểu, dễ nhớ, Hoàng Đế (theo huyền sử Trung Hoa, trị vì từ năm 2698 đến 2599 TCN, được coi là người sáng lập ra nến văn minh Trung quốc) đã chọn 12 con vật chia theo từng năm để làm biểu tượng.
Tuy nhiên, theo các khảo cứu hiện đại, việc dùng can – chi để tính ngày tháng đã xuất hiện vào cuối đời Thương (TK 12 TCN), việc gán tên con vật vào thì phải đến đầu công nguyên (thời nhà Hán) mới thực hiện [1], [3].
NHỮNG TẢNG ĐÁ NỀN BỊ VỠ
Hệ thống Ngũ hành
Ngũ hành bao gồm: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, là 5 nguyên tố tạo thành vạn vật, là một giả thuyết thô sơ, có cùng bản chất với thuyết nguyên tố của người Hy Lạp cùng thời, đặt trên những giả định thô sơ của người xưa nhằm lý giải những hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và trong xã hội. Với bản chất của nhận thức chất phác, rõ ràng Ngũ hành không đủ tri thức để nhận thức thế giới.
Thật vậy, Ngũ hành vừa ra đời đã bị thúc thủ trước những quy luật muôn màu của tự nhiên. Giới hạn chỉ có 5 hành, khiến nó không thể nào mô tả tự nhiên một cách hoàn hảo. Để bù vào sự khiếm khuyết đó, hệ thống Ngũ hành phải đẻ ra khái niệm “đới”. Về bản chất, đó là một khái niệm nhị nguyên, biểu thị “một cái vừa là… vừa là…”. Chẳng hạn như Mộc đới Hỏa, Kim đới Thủy, v.v… Vấn đề ở đây “đới” là “đới” như thế nào, tỷ lệ ra sao, nghĩa là vấn đề lượng của “hợp chất” thì Ngũ hành không giải quyết được. Mà tỷ lệ của các chất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo thành chất mới trong hóa học cổ điển. Như vậy, tương tác Ngũ hành đã từ chối trong việc tạo thành các chất (nhân tố) mới hơn.
Chính vì không có tỷ lệ, mâu thẫn tiếp theo mà Ngũ hành vấp phải: chúng không có khả năng cho biết hành nào còn, hành nào bị hủy diệt trong quan hệ tương khắc. Ví dụ như: thủy khắc hỏa và có thể chế được hỏa; tuy vậy, sẽ cho kết quả khác nhau lại khi tỷ lệ hai “chất” thay đổi. Có lẽ thấy được mối lo này, cho nên đời sau thêm vào các khái niệm “chỉ” và “lượng”. Dĩ nhiên những thứ bổ sung này càng làm cho hệ thống rối rắm khi không thể đo lường được chúng. Vì đo lường sao được khi khái niệm “chỉ” và “lượng” là khái niệm mang tính thực chứng, còn các hành về bản chất chỉ là “tượng”?
Trong mối quan hệ tay đôi đã thế, mối quan hệ tay ba còn phức tạp hơn nhiều. Giả sử hai “chất” tương tác với nhau trước, không rõ “chất” nào còn, để còn tiếp tục tương tác với “chất” còn lại. Mà cũng không thể giải thích rõ ràng tại sao chúng lại tương tác với nhau, trong khi không phải tương tác với chất còn lại. Rõ ràng kiến thức trong học thuyết về Ngũ hành không đủ thể giải quyết các phương trình ion mà hóa học thực nghiệm phương Tây đã làm. Trong mớ bòng bong đó, để biện giải cho học thuyết, việc thêm các tham số phụ là điều tất yếu. Cho nên không có gì khó hiểu khi ngoài Ngũ hành, người xưa phải đưa thêm các yếu tố khác như Bát quái, Hà đồ Lạc thư, Can – chi, v.v… để mở rộng thêm cơ số nghiệm, rồi tùy cơ chọn những nghiệm số nào đó phù hợp với tính toán chủ quan của mình khi cần giải thích cho một vấn đề cụ thể nào đó.
Do không có thứ tự ưu tiên trong phản ứng giữa các “chất”, vì vậy, trong một hỗn hợp gồm 5 hành, khó biết chúng tương tác thế nào, mức độ ưu tiên giữa chúng ra sao. Câu cửa miệng của những người không am hiểu là “bố trí (cái gì đó, chẳng hạn như vật dụng) theo Ngũ hành”. Có lẽ ý muốn nói là bố trí theo Ngũ hành tương sinh. Tuy vậy, chúng không phản ứng “tương sinh” mà “tương khắc” với nhau thì sao? Lấy gì đảm bảo không xảy ra phản ứng tương khắc giữa chúng? Không ai có thể trả lời câu hỏi này.
Hệ thống Hà đồ, Lạc thư, Kinh dịch và Bát quái
Kinh dịch
Với một huyền sử tồn tại gần 5000 năm biến động và được viết bởi nhiều thế hệ các nhà tư tưởng lớn của Trung Hoa từ thượng cổ đến cận đại, Kinh dịch là một bộ sách có một không hai trong lịch sử văn học thế giới. Chính điều này làm nảy sinh về tính xác thực về nội dung của chính nó.
Về lịch sử tồn tại
Tương truyền do Phục Hy dựng lên, chỉ là những đồ hình và vạch, đến thời Văn Vương chúng mới được viết bằng chữ (thêm lời). Rất khó trả lời câu hỏi liệu sau gần 2000 năm chúng có bị hiểu khác đi, thậm chí sai lạc so với ban đầu hay không. Tiếp theo, sau 800 năm tồn tại dưới dạng chữ viết ở nhà Châu, và tồn tại qua thời Xuân Thu – Chiến Quốc, liệu Kinh dịch có bị “vạ lây” khi nhà Tần đốt sách chôn nho, nhất là trước đó Kinh dịch đã được Khổng tử – giáo chủ của đạo Nho – nghiên cứu và viết thêm? Ngược lại, giả sử không có chuyện “chôn nho” của Tần Thủy Hoàng, mà là “chôn đạo sĩ” như một số khảo cứu hiện đại phân tích [4], thì chắc gì Kinh dịch với tư cách là một cuốn sách bói lại yên bình mà thoát nạn? Lại nữa, những khái niệm vay mượn của Kinh dịch trong Lã Thị Xuân Thu chắc gì đã phản ảnh đúng tinh thần của Kinh dịch trước đó?
Bên cạnh đó, trong lịch sử Trung Quốc đến thời Minh có ít nhất mười lần hủy diệt sách [4], mà lần đốt sách ở thời nhà Tần là lần đốt sách đầu tiên. Chín lần đốt sau tuy quy mô nhỏ hơn (lần đốt sách thứ năm “chỉ” hủy có hơn 7 vạn quyển), nhưng nguy hiểm là các lần đốt sách này là đốt sách trong cung, nơi những cuốn sách quý được lưu giữ. Ngoài ra, các án văn tự xảy ra vào thời Mãn Thanh kéo dài vài trăm năm cũng đã tàn phá sách một cách ghê gớm. Chỉ riêng đợt tiêu hủy sách thời Càn Long từ 1772 đến 1788, khiến số sách lúc bấy giờ chỉ còn không đến 18% [4]. Nhưng chưa hết, song song với hủy sách, hai triều Ung Chính và Càn Long còn có thủ đoạn ghê gớm hơn các lần trước ở chỗ cho tu sửa và thay đổi nội dung các văn tự cổ của đời trước, và Tứ Khố Toàn Thư là một ví dụ, đã làm cho “người đời vĩnh viễn không thấy được khuôn mặt thực của những tác giả trung quốc”(Lỗ Tấn) [4].
Bên cạnh đó, kiến thức khoa học của người xưa rất hạn chế, thế nên, chuyện bói toán, dự báo, lý giải về đời người, về cuộc sống và về một vương triều là cự kỳ quan trọng với người thời cổ, nhất là trong một xã hội chiến tranh liên miên. Nếu Kinh dịch là một cuốn bói ảo diệu thì đã là mục tiêu tranh giành, và thậm chí, hủy diệt của các thế lực thù địch trong xã hội phong kiến từ lâu. Có thể nói, Kinh dịch nếu là bộ sách quý, mà thoát được các đại nạn trong gần 5000 năm chiến tranh liên miên của dân tộc Trung Hoa thì cũng là điều ghê gớm và thần kỳ. Còn không, thì là một bộ sách không đáng tin cho nên không bị các thế lực nhằm vào và hủy diệt.
Và nếu bộ Dịch có một sức sống thần kỳ, và có cơ may “sống sót” bất chấp can qua, thì một điều không may mắn cuối cùng cũng đã xảy đến, nhưng không như một tác động bên ngoài, mà là một tác nhân từ phía bên trong, từ những người đã bảo vệ, lưu giữ nó trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là, từ thời nhà Hán đến nhà Thanh, trải qua hơn 2000 năm, có hàng trăm học giả chú thích, làm ra hàng trăm bộ Dịch. Vì vậy, sách này bị “chư nho làm loạn” [9] (chữ nghiêng là chữ của Chu Hy), cho nên sách Dịch ngày nay liệu có bị “tam sao thất bản” hay không, khó biết được. Vả lại, nếu không bị thất bản, cũng không thể nào tránh được những chỗ võ đoán và khiên cưỡng trong khi bàn luận và kiến giải qua nhiều thời kỳ.
Về nội dung
Với khối lượng đồ sộ hơn 800 trang, bộ sách Kinh dịch phổ biến nhất hiện nay (bản dịch Ngô Tất Tố) bao gồm hai phần: Châu dịch thượng kinh và Châu dịch hạ kinh với các mục chiết giải chi tiết về 64 quẻ, mỗi quẻ gồm có lời kinh và giải nghĩa, kể cả tiếng Hán, đã làm nản lòng độc giả. Những người chuyên nghiên cứu về Dịch, với vốn Hán học thâm sâu, đọc hết một quyển Dịch cũng đòi hỏi một nỗ lực lớn, và dĩ nhiên, đây là một bức tường gần như không thể vượt qua đối với những người nghiên cứu không chuyên. Và đây cũng là yếu tố góp phần làm bộ sách trở nên huyền bí, là mảnh đất béo bở cho người kẻ nói khoác.
Mặt khác, Kinh dịch là một cuốn sách lạ trong kho tàng văn học thế giới. Sách này không giống như bất cứ một cuốn sách nào. Bởi vì cái gốc của nó chỉ là một nét vạch ngang, nhưng nét gạch ngang ấy lại “đảo điên xoay xỏa” thành một bộ sách. Thêm nữa, với lời văn “chủng chẳng rời rã, ngớ ngẩn đột ngột, giống như lời nói của bọn đồng cốt, không đầu không đuôi không mạch lạc”[9] đã làm cho bộ sách thêm huyền bí và khó hiểu. Vì vậy, không khó khi giải thích tại sao bộ sách được nhiều người tin, dùng trong nhiều ngàn năm như vậy.
Kinh dịch là bàn luận, giải thích về các quẻ trong Bát quái. Với những tên gọi, thứ tự, vị trí trong các quẻ, tương truyền do Phục Hy thời thượng cổ, và Văn vương thời cổ, sáng tạo và sắp xếp; tuy nhiên không ai có thể trả lời tại sao chúng lại bao gồm những quẻ ấy, và tại sao đồ hình lại có thứ tự như vậy. Có vẻ sự “ứng dụng” của chúng trên hệ thống lý, y, tướng, số thì đã rõ, nhưng xây dựng các đồ hình như thế nào và cơ sở đó là gì thì rõ ràng hoàn toàn khiên cưỡng về mặt logic. Rất nhiều giấy mực của xã hội cho những giải thích của các nhà nghiên cứu Dịch học hiện đại nhưng chưa có một lập luận mang tính thực chứng nào thuyết phục, thậm chí, chưa có lời giải thích nhất quán giữa các nhà nghiên cứu về một vấn đề cụ thể được chiết giải dựa trên quan điểm của Kinh dịch.
Có thể nói, về nội dung, đứng trên mặt khoa học, Kinh dịch là một bộ sách lạ, mang tư duy duy vật thô sơ phản ánh thế giới quan của người thời xưa, cho đến thời điểm hiện nay, và chúng hoàn toàn không thể và không có chức năng đặt nền móng cho bất cứ một bộ môn khoa học thực chứng nào.
Hà đồ – Lạc thư
Khi thay những con số trong Hà đồ và Lạc thư thành những số tương ứng thì sẽ phát hiện ra một đồ hình của những con số theo hàng dọc và hàng ngang. Hà đồ và Lạc thư với huyền thoại về sự xuất hiện, cộng với sự “giới thiệu” là cơ sở cho Bát quái Tiên Thiên và Hậu Thiên đã gây nên một cảm giác thần bí.
Với những quy ước của Hà đồ như: trên-Nam, dưới- Bắc, trái- Đông, phải- Tây; hay: phương Bắc: số 1-6; Nam: 2-7; Đông: 3-8; Tây: 4-9; trung tâm: 5-10, v.v… không có nguyên nhân nào giải thích, chỉ biết từ xưa đã có. Có lẽ do vậy mà sự võ đoán này được gán cho một yếu tố kỳ bí là đồ hình trên lưng con ngựa thần trên sông Hoàng Hà xuất hiện từ thời… thượng cổ. Chưa hết, đọc những tài liệu nói về Hà đồ người đọc còn bắt gặp vô số những quan niệm kiểu như: “ Trời một đất hai, trời ba đất bốn, trời năm đất sáu, trời bảy đất tám, trời chín đất mười. Trời năm số đất năm số” mà không biết do đâu mà có, dựa trên những cơ sở logic nào, hay “số của trời là lẻ, tổng số của Trời là 1+3+5+7+9 = 25, số của đất là chẵn, tổng số của Đất là 2+4+6+8+10 = 30, cộng số Trời và Đất thành số 55”, v.v… với những quan điểm lý giải hết sức ngô nghê và tùy tiện.
Lạc thư có đồ hình là một ma phương 15 (có 3 hàng theo thứ tự: (hàng 1): 4,3,8; (hàng 2): 9,5,1; và (hàng 3): 2,7,6). Đối với toán học sơ cấp, điều này chẳng có gì huyền bí cả. Tuy nhiên cách đây hàng ngàn năm, ở khu vực toán học kém phát triển như Trung Quốc thì ô vuông trên thật sự là “ma thuật”: cộng các số hạng theo phương ngang, hay dọc, thậm chí đường chéo cũng đều có tổng là 15! Ngày nay, với kiến thức phổ thông, một em bé cũng biết rằng có vài ma phương như thế.
Hiện tượng thần bí hóa con số thời cổ, không riêng gì văn minh Trung Quốc, có thể bắt gặp ở mọi nền văn minh ở những giai đoạn sơ kỳ, khi khoa học chưa phát triển. Tuy nhiên, thời cổ-trung đại của châu Âu, dưới ánh sáng của khoa học, người ta còn tìm ra những con số, dãy số, hiện tượng số học như pi (3,14), phi (0.618…), v.v… có thể nói, ảo diệu, ly kỳ và xuất hiện phổ biến hơn hẳn ma phương vuông 15 trong Lạc thư, tuy nhiên, không xảy ra hiện tượng thần bí hóa những con số tại những khu vực này, do lúc bấy giờ khoa học thực chứng đã xuất hiện.
Có thể nói Hà đồ và Lạc thư chỉ là những đồ hình của các con số, có thể có vài tính chất đặc biệt nào đó về hình thức nhưng “muốn nói trong đó tiềm ẩn những đạo lý sâu xa vô hạn, e rằng là lời thêm thắt một cách khiên cưỡng” [2]. Khi xuất hiện “đồ thư hiển thế”- là một dạng của Hà đồ và Lạc thư – của Trần Đoàn vào thời nhà Tống, “đã không ít người có học đã từng phát biểu ý kiến phê bình nghiêm khắc” [2], như Âu Dương Tu, nhà thơ sống cùng thời nhà Tống, từng nói: “những người học hành méo mó, xuyên tạc, khiên cưỡng phụ họa vào để thông cái thuyết của họ, làm mê hoặc người học, tai họa này nào phải nhỏ!” [2].
TÒA NHÀ HỔ LỐN
Theo những dữ liệu gần đây nhất, đã được đề cập ở trên, tượng quẻ xuất hiện trễ nhất vào khoảng thế kỷ thứ 18-12 TCN, kế đến là thuyết Ngũ hành được khởi xướng vào thế kỷ 3 TCN. Trải qua một thời gian rất dài những người giảng giải về Ngũ hành thì không nói về Bát quái, những người giảng giải về Bát quái thì không nói về Ngũ hành [2]. Có thể nói rằng về nguồn gốc chúng không liên quan gì với nhau, tại sao sau 1000 năm lại là một hệ thống trong Phong thủy?
Bên cạnh đó, xuất hiện trễ hơn gần 2000 năm, không hiểu vì sao cái gọi là Hà đồ – Lạc thư hiện nay lại quay lộn trở lại làm nền tảng cho các quẻ trong Kinh dịch?
Và cuối cùng, có thể xuất hiện rất sớm, nhưng vào đến nửa đầu của thế kỷ 1, “Kham Dư” mới được đề cập trong “Sử ký – Nhật giả liệt truyện”. Hiện nay các sách Kham Dư thời cổ đã bị thất truyền hết, các nhà nghiên cứu hiện đại chỉ dựa vào các dữ liệu của học giả thời Hán bàn luận về Kham Dư, mà phỏng đoán rằng “thuật đồ trạch có liên quan đến những cấm kị về nhà ở trong thuật Phong thủy, mà Kham Dư là thần quái sáng tạo ra thuật Phong thủy” [9]. Như vậy, có thể nói thuật Kham Dư thời cổ đã bị “tuyệt chủng”, cái gọi là Phong thủy hiện nay là do các “Kham Dư gia” viết vào đời sau. Như vậy người đời sau viết gì vào Phong thủy?
Câu trả lời logic nhất là, các “đại sư Phong thủy” trước tiên mượn lại cái lốt xuất thân kỳ bí của Kham Dư; sau đó, không những mượn hai hệ thống Bát quái và Ngũ hành vốn tồn tại từ hàng trăm năm trước, mà còn mượn cả hệ thống Hà đồ Lạc thư sau này để làm “nền móng” tạo nên cái Phong thủy mà chúng ta thấy hiện nay, với mục đích là “muốn lý luận của mình tăng thêm màu sắc thần bí và thành phần đáng tin”[2], và để “làm cho thể hệ lý luận trở thành rất phức tạp, đủ để hù dọa hạ gục những người ngoài ngành”[2].
Có lẽ cảm thấy độ phức tạp chưa đủ, ngoài vay mượn hệ thống can – chi được đưa vào đầu công nguyên, các ngài còn vay mượn hầu hết các thuật lý số khác có niên đại muôn hơn ở trung quốc như kỳ môn độn giáp, tử vi, tử bình, v.v… để tăng độ khó hiểu. Đến đây thì không những tính phức tạp thừa sức“hạ gục những người ngoài ngành”, mà còn đủ để các “Kham Dư gia” hạ gục lẫn nhau. Chính vì điều này đã khiến cái gọi là Phong thủy trở nên: “lý luận không hệ thống, tư duy không nghiêm chỉnh (phần lớn là nói láo), thuật ngữ không tiêu chuẩn, bộ khung không bình thường, dụng cụ không thống nhất, nghi thức không cố định, kinh điển không nghiêm túc, học thuật không đoàn thể”[9].
ĐÃI CÁT TÌM VÀNG
Như đã trình bày, tòa nhà phong thủy không những xây dựng trên nền móng ọp ẹp, mà còn bị chắp vá bằng nhiều chủng loại lạc xoong có xuất xứ từ nhiều đời. Nếu coi tòa nhà này là một loại khoa học, thì tất yếu đã bị đổ sập dưới những tri thức của khoa học hiện đại, thậm chí, nó cũng khó tồn tại khi phải đối mặt với các câu hỏi mang tính logic thông thường. Nhưng liệu có ích gì khi dùng tư duy phủ định sạch trơn để phá bỏ hoàn toàn một công trình, dù sao, cũng là một sản-phẩm-văn-hóa-thật-sự của nhiều thời đại? Điều này không giải quyết được vấn đề gì cả. Việc nên làm và phải làm có lẽ là cần có một cái nhìn thật đa chiều và thấu đáo, để nhặt nhạnh, chọn lựa những gì có giá trị thay vì phá nó.
Sau hàng ngàn năm phát triển, những kinh nghiệm của phong thủy có vẻ kín đáo và liền lạc từ phương diện lý luận, khó có chỗ công kích. Tuy nhiên, các lý thuyết của phong thủy thường “có thể biết như vậy” (tri kỳ nhiên) nhưng không biết “tại sao nó như vậy” (tri kỳ sở dĩ nhiên) [2]. Chính vì “không biết tại sao nó như vậy” đã khiến phong thủy bộc lộ bản chất là một môn học kinh nghiệm. Nói về kinh nghiệm nghĩa là nói về sự hợp lý trong một số trường hợp nhất định, nhưng không có mô thức lý luận để suy diễn, mở rộng một cách chính xác hoàn toàn hiện tượng đó. Nghĩa là trong một số trường hợp, chúng có vẻ hợp lý nhưng để nâng thành quy luật thì không thể được.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều mối quan hệ xoắn xuýt giữa các thành tố trong tự nhiên, phong thủy chỉ phản ảnh một vài thành tố ảnh hưởng với một sự vật, hiện tượng, mà không phải lúc nào cũng chiếm ưu thế tác động. Do vậy, những kiến thức của phong thủy có thể chính xác hoặc có thể sai, mà trong đó dễ nhận thấy, xác suất sai xuất hiện với tần suất áp đảo. Có thể nói, do bản chất của phong thủy là phản ảnh đơn thuần những quy luật thuộc kinh nghiệm, do vậy hoàn toàn không có khả năng đi xa hơn để phát triển thành một bộ môn khoa học thực thụ. Rõ ràng cụm từ “khoa học phong thủy” là sai lệch về mặt bản chất.
Đứng trên quan điểm phong thủy là một quan niệm thuộc kinh nghiệm, sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về “đúng – sai” trong phong thủy: trên một ý kiến cho trước, có thể tìm được ít nhất một ví dụ lịch sử để bác lại một ví dụ khác. Tuy nhiên, điều này không quan trọng, vấn đề thật sự quan trọng là làm sao có thể giúp hiểu rõ bản chất của phong thủy, để từ đó có thái độ hành xử đúng mực giữa con người với thiên nhiên; và con người với xã hội.
Rõ ràng muốn nhặt nhạnh, chọn lựa những gì vừa để giúp hiểu rõ bản chất của phong thủy, vừa giúp con người có một thái độ ứng xử đúng đắn, thì điều đầu tiên phải có một góc nhìn khác về phong thủy.
Góc nhìn thứ nhất: phong thủy và tôn giáo
Phong thủy và Nho giáo
Sự phát triển của phong thủy gần như song song với sự phát triển của các tôn giáo khác ở trung quốc nói chung và Nho giáo nói riêng. Bên cạnh đó, giáo chủ của Nho giáo là Khổng Tử (551 – 479 TCN) được cho rằng là người soạn ra thêm 6 mục của kinh dịch- vốn là tiền đề cho phong thủy. Như vậy, với nguồn gốc ra đời và quá trình hình thành, phát triển, dù muốn hay không phong thủy và Nho giáo cũng phải liên quan với nhau một cách mật thiết.
Từ thời Hán trở đi, Nho giáo đã là sự biến tướng của tư tưởng Nho học sơ kỳ cho thích hợp với chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Trung Quốc. Cũng trong thời Hán, các thuyết âm dương, ngũ hành, can chi, và thuật phong thủy đã bắt đầu thành hình và phát triển. và như một tất yếu, phong thủy thâm nhập vào giai cấp quý tộc phong kiến, và đã được giai cấp này đón nhận. Bằng chứng là các lý thuyết của đại phong thủy đều có liên quan đến thuật của các bậc đế vương [2].
Sự sống chung giữa phong thủy và nho giáo đã hình thành một quan hệ cộng sinh trên cơ sở hai bên cùng có lợi: phong thủy nhờ nho giáo với tư cách là quốc giáo để phát tán và gia tăng sức ảnh hưởng của mình với những môn bói toán khác. Ngược lại, các tầng lớp phong kiến cũng mượn phong thủy để trấn áp, hù dọa các tầng lớp thấp hơn, nhằm phát tán sức ảnh hưởng hay củng cố địa vị của mình. Ngày nay, nếu loại bỏ những tính chất mê hoặc trong phong thủy, có thể nhận rõ dấu vết của nho giáo với đầy đủ bát mục, tam cương, ngũ thường, v.v… ẩn hiện.
Những quy tắc cấm kỵ thông dụng của phong thủy, chẳng hạn: “đất trước rộng sau hẹp”, “dạng nhà bất quy tắc”, “đất lõm khuyết”, “nhà dạng chữ “sơn””, “nhà dạng “cô phong”” v.v…; hay các quy tắc được khuyến khích như: “đất trước hẹp sau rộng”, “nhà trước tròn sau vuông”, “nhà hình vuông”, v.v… dễ dàng nhận ra đạo lý của nho giáo ẩn tàng trong những lời khuyên và cấm kỵ. Người viết đã làm một thống kê nhỏ, trong hơn 200 nguyên tắc thông dụng của phong thủy được lưu truyền trên các ấn phẩm, có khoảng 60-70% chứa đựng những nguyên lý của nho giáo.
Không những xuất hiện trong những nguyên lý cấm kỵ riêng lẻ, mà đạo đức nho giáo còn xuất hiện cả trong các nguyên lý nền tảng của phong thủy. Chẳng hạn, “trước chu tước, sau huyền vũ”, tạo ra một thế đứng vững chắc vô song trong phong thủy, nhưng xét cho cùng nó “phản ánh lý tưởng nhân sinh của người trung quốc cổ xưa: ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu bạn bè người thân, trong nhà hài hòa mỹ mãn; ra ngoài thì trung quân báo quốc”[2]. Rõ ràng ẩn sau quy tắc thần bí kia là những tiêu chí đạo đức của Nho gia.
Phong thủy và các tôn giáo khác
Các tôn giáo khác, như Phật giáo và Đạo giáo, hầu như không để lại các giáo huấn của mình trong phong thủy. Trong trường hợp Phật giáo với tư cách là một tín ngưỡng, người viết chỉ tìm thấy một vài dấu ấn trong đại Phong thủy dưới dạng những lời khuyên khi bố trí nơi thờ cúng, chùa chiền. Và có lẽ do tư tưởng “vô vi”, hay do thiếu thốn về mặt tài liệu, mà người viết chưa tìm thấy dấu vết của Đạo giáo trong phong thủy.
Góc nhìn thứ hai: phong thủy và cuộc sống thời cổ
So với đời sống đầy đủ của xã hội hiện đại, đời sống của xã hội cổ – trung đại của đất nước trung quốc thiếu thốn và khổ cực hơn rất nhiều. Cuộc sống tự cấp tự túc và chiến tranh liên miên đã đẩy gần như toàn bộ dân số vào cuộc sống bệnh tật và đói khổ. Sống trong lòng xã hội đó trong nhiều thế kỷ, chắc chắn phong thủy sẽ ghi đậm dấu ấn của trình độ phát triển, mức sống, thậm chí mong ước, khát khao, v.v… của con người thời ấy.
Do tồn tại trong các bối cảnh khác nhau, cách tư duy của thời hiện đại sẽ không giống suy nghĩ của thời cổ, nhất là cách suy nghĩ cách đây hàng ngàn năm. Ngay cả tiện nghi sinh hoạt cũng thay đổi nhiều. Người hiện đại sẽ không hình dung nổi được điều kiện sống tồi tàn đối với hầu hết dân số, khi không có điện, nước; phương tiện giao thông và đường sá tồi tàn; đói ăn, mất mùa và dịch bệnh, v.v… của người thời xưa. Vì lẽ đó, trong phong thủy thường có những điều tưởng cao xa nhưng hết sức hiển nhiên, thậm chí, buồn cười khi lý giải bằng cặp mắt của người thời nay.
Một nguyên tắc thuộc hàng kinh điển của phong thủy là: “minh đường hữu thủy” (có thể hiểu nôm na là phải có nước trước nhà, khu đất) mà người đời nay suy diễn với màu sắc thần bí thật ra “nguyên nhân chủ yếu là vì tiện nghi trong cuộc sống” [2]. Với xã hội hiện đại, nước máy đi vào từng căn hộ ở thành phố và nông thôn cũng có điện là điều hiển nhiên. Tuy vậy, nên nhớ rằng khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nước rất quan trọng với người thời cổ: trong lịch sử đã có những kinh đô bỏ hoang, thậm chí những nền văn minh bị tàn lụi cũng vì thiếu nước ngầm nơi đó. Trong trường hợp đó, đi tìm đất để dựng sinh cơ không có gì khó hiểu khi áp dụng nguyên tắc “minh đường hữu thủy” cả.
Trong những nguyên tắc cấm kỵ, có thể bắt gặp rất nhiều kinh nghiệm cổ xưa mang dấu vết của một thời kỳ kém phát triển như: “tránh “cát cước thủy””, “ngủ dưới xà chữ thập”, “huyền quan kỵ tối”, “”kiêng kỵ cửa hướng bắc”; “trong nhà kỵ thấp hơn ngoài nhà”, v.v… Trong thời đại hiện nay có những kinh nghiệm không còn đúng nữa, thế mà cứ ôm khư khư kiến thức cũ, quyết đạt cho bằng được, làm đảo lộn trật tự cuộc sống thì thật là u mê lắm vậy.
THÁI ĐỘ CẦN CÓ CỦA NGƯỜI THỜI NAY ĐỐI VỚI PHONG THỦY
Như vậy có thể thấy phong thủy được xây trên những cơ sở không đáng tin cậy về mặt khoa học thực chứng. về mặt bản thể, phong thủy cũng được cấu thành bởi sự chắp vá những quan niệm, những kinh nghiệm thô sơ trải qua nhiều thời kỳ trong lịch sử. Và với năng lực nhận thức bị giới hạn của người xưa, phong thủy học, không tránh khỏi những phần hoang đường, bị coi là một giai đoạn sai lầm trong quá trình nhận thức của loài người đối với thế giới, tiếc thay vẫn được nhiều người hiện nay xem là mẫu mực.
Giả sử thuật phong thủy là có thật, không giống những cuốn “man thư” và “ngụy thư” đang tràn ngập trên thị trường, sau một thời gian bị xem là “thất truyền”, nay có người hữu duyên nào đó được “truyền” từ kho gia bảo của giòng họ nào đó, cho in để “thỏa lòng mong mỏi của tiền nhân” đưa “báu vật của dân tộc” giới thiệu với công chúng cho khỏi lãng phí. Dù điều này có thật đi chăng nữa, với những nhận thức lạc hậu và sai lầm về mặt khoa học, phong thủy học cũng chỉ dừng lại ở mức độ như một chứng tích hóa thạch giúp con người hiện đại nghiên cứu văn hóa nhận thức của người xưa mà thôi.
Và cuối cùng, có một sự thật nản lòng cho những người đi tìm “chân thư” là cho đến nay chưa hề có quyển sách nào dùng lời lẽ thông thường giới thiệu thuật Phong thủy một cách toàn diện [10], chúng ta chỉ có thể tìm đọc một số sách cổ không theo một tiêu chuẩn nào. Những sách này “đầu cá vá đầu tôm”, câu trước không liên quan gì với câu sau, với cách dùng từ lạ lẫm không logic và “sai be bét” (chữ của Quang Định – tài liệu [10]), hoặc cố ý dùng câu chữ mập mờ, khó đọc, khó hiểu, khiến người đọc đau đầu buốt óc, như đi trong sương mù. Một số đoạn, vì người viết lung tung, nên hiện nay khó có thể làm rõ, sau này cũng khó mà hiểu nổi. Thật ra, cũng không cần phải hiểu, phải đọc những sách đó, vì suy cho cùng,“vì tội gì mà tự dìm mình trong vũng bùn” [10].
Với cái nhìn toàn diện của văn hóa học, bóc bỏ lớp thần bí, hoang đường, có thể coi phong thủy học là một loại nhận thức và hành vi ứng xử của con người cổ đại với thiên nhiên và với xã hội. Nghiên cứu các lớp nhận thức và hành vi ứng xử ấy, chúng ta có thể đúc rút cho mình những kinh nghiệm của người xưa được ẩn dấu dưới lớp vỏ của phong thủy.
Tuy nhiên, đối với đại chúng, không phải ai cũng có vốn kiến thức nhất định và có thái độ đúng đắn với phong thủy. Với một xã hội phát triển càng nóng, dân trí càng thấp, thì những hiện tượng mê tín quá mức, “phát cuồng” với phong thủy, sẽ phát triển, lây lan như là một bệnh dịch, và đương nhiên, là một hiện tượng tất yếu trong bối cảnh thiếu kiểm soát và định hướng xã hội. Do vậy, phổ cập nhận thức đúng đắn về phong thủy cho một bộ phận lớn trí thức là một chiến lược cần làm, làm lâu dài và triệt để, nhằm biến “phong trào phong thủy” hiện nay thành một tàn dư của nhận thức xã hội, và tiến tới xóa sổ chúng trong tương lai, là nhiệm vụ cấp bách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bùi Dương Hải 2005 Thiên văn học phương đông – http://www.thienvanvietnam.org
- Hồng Khánh 2003 Phong thủy nhìn từ góc độ khoa học & tâm linh – Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin.
- Huệ Thiên 2002 Thử gợi một hướng để đi tìm nghĩa gốc của thập nhị chi – Tạp chí Lắng Nghe (số 2 tHáng 01 năm 2002) : http://old.thuvienhoasen.org
- Hy Văn (dịch từ china.com) 2009 Đốt sách chôn Nho: tội dâu phải ở Tần Thủy Hoàng? – http://lamkieu.com.vn
- Lê Anh Minh (dịch-chú) 2005: Châu Dịch đại truyện – TP. Hồ Chí Minh: NXB Khoa học xã hội.
- Lương Ninh (chủ biên) 1998: Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại – Hà Nội: NXB Giáo dục.
- Mộng Bình Sơn 2006: Tìm hiểu phong thổ học theo quan niệm triết Đông – TP. Hồ Chí Minh: NXB Văn nghệ.
- Ngô Tất Tố 2003: Kinh dịch – Hà Nội: NXB Văn học.
- Quang Định (biên dịch) 2011 Kham Dư là gì? http://chuahieuquang.com
- Quang Định (biên dịch) 2012: Tính phức tạp, tính bịp bợm của Phong thủy http://chuahieuquang.com.
——–
[*] Tương truyền là sách những năm đầu thời Tây Châu, các nghiên cứu hiện này cho rằng vào thời Chiến Quốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét